Cần có định hướng chính sách ổn định để phát triển năng lượng tái tạo

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa thách thức cho các doanh nghiệp để hướng tới “xanh lưới” hệ thống điện Việt Nam.

Thị trường năng lượng tái tạo trong 2022 gặp một số khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực. Theo đó, lần đầu tiên, sản lượng điện năng lượng tái tạo của Việt Nam vượt sản lượng nhiệt điện.

Cụ thể: Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,4 tỷ kWh, trong đó sản lượng thủy điện tăng 20,8% so với năm 2021 do nước về hồ tốt và việc huy động phát điện phù hợp với quy chế điều hành liên hồ; các nhà máy điện gió, mặt trời đi vào hoạt động ổn định; giá than cao nên EVN điều hành giảm mua điện than. Nhờ đó, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) đã vượt sản lượng nhiệt điện trong năm 2022.

Năm 2022 cũng ghi nhận lần đầu tiên điện năng do các nguồn phát điện ngoài EVN vượt 50% sản lượng toàn hệ thống, các nhà máy điện ngoài EVN đã đóng góp hơn 53% sản lượng điện trong năm.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề: “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”, theo các chuyên gia Việt Nam cần hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để tạo điều kiện phát triển cho thị trường. Hiện các nhà đầu tư rất cần các chính sách cụ thể liên quan tới cơ chế giá điện, đầu tư đấu thầu ra sao, hay như cơ hội cho điện gió ngoài khơi nhưng lại chưa có một quy hoạch ngành biển cụ thể để phát triển. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính, giá FIT cũng chưa làm yên tâm cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn các khó khăn về kỹ thuật đi kèm, các cơ chế về truyền tải…

diengiohuongtantcbc-1673880161.jpg
Năng lượng tái tạo xu thế tất yếu của tương lai. Ảnh minh họa

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT công ty IQLinks, Giám đốc công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt 27% nhưng vẫn còn một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn.

Ngày 20/12/2022, Bộ Công Thương có báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đưa ra giải pháp: cho phép thí điểm cho 1000 MW được bán điện trực tiếp. Đây là giải pháp tốt, theo thông lệ của thế giới nhưng giải pháp này hiện mới dừng ở đề xuất. Chưa kể, hệ thống lưới điện của chúng ta hiện nay đang quá tải ở một số khu vực nên có dự án năng lượng tái tạo không thể đấu nối được vào đường truyền. Mấu chốt để phát triển năng lượng tái tạo là trạm điện và đường truyền tải.
Do đó, cần có giải pháp để “khơi thông” điểm nghẽn này, trong đó ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện.

Ông Nguyễn Hoài Bắc cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án năng lượng tái tạo để hướng đến mục tiêu năm 2050 có năng lượng xanh, sạch để sử dụng.

Còn theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận cho biết, Việt Nam vẫn luôn mời gọi đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo trong suốt thời gian qua, kết quả, không ít “đại bàng” đã đến để làm tổ, tuy nhiên, ở lại được hay không còn phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường đầu tư hiện tại.

Thực tế, công tác quy hoạch hiện nay về năng lượng tái tạo còn nhiều tồn tại, quy hoạch được đưa ra rõ ràng, chi tiết, nhưng việc thực thi quy hoạch lại không được như kỳ vọng, ách tắc, chậm trễ chẳng hạn như Quy hoạch điện VIII vừa qua vẫn còn đó hàng loạt ách tắc, nếu bây giờ các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư, sẽ khó có thể đáp ứng được về mặt chiến lược – Đây có thể coi là một nghịch lý.

Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta vẫn còn có những khoảng trống về chính sách, khiến hàng loạt các dự án đã và đang thực hiện, trong đó có những dự án đã đi vào hoạt động đến 15 tháng qua nhưng vẫn chưa có giá, chưa có hợp đồng đàm phán mua bán điện. Trong lúc này, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, vì vậy, rất mong các cơ quan quản lý cân nhắc, có chính sách hỗ trợ.

Chưa kể, tình trạng giải phóng mặt bằng cũng được cho là rất chậm, chưa phù hợp với quy hoạch đề ra, chẳng hạn như một số dự án tại Bình Thuận hay Ninh Thuận, dù theo quy hoạch thì sẽ hoàn thiện xong giải phóng mặt bằng trong năm nay, tuy nhiên, đã trải qua 4 năm, thì mới thực hiện giải phóng xong 50% tiến độ đề ra. Vì vậy, để ngành năng lượng tái tạo phát triển, thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân họ ở lại, thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, theo bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, cần tiếp tục cơ chế giá ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo không kịp hưởng cơ chế giá FIT do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đây là yếu tố khách quan, doanh nghiệp không thể kiểm soát được.

Bà Vũ Chi Mai cho rằng, nên đặt câu chuyện này trong bối cảnh dài hơn, trong cam kết của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phác thải khí nhà kính và mục tiêu đạt NetZero của Việt Nam vào năm 2050. Nền kinh tế chuyển đổi từ phác thải CO2 sang kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển dịch rất nhiều sang năng lượng tái tạo. Một trong những yếu tố được rất nhiều nước hướng đến là huy động, tối ưu hoá sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để tỷ lệ nội địa hoá đạt được ở mức cao nhất, giảm chi phí đầu tư cũng như tạo chuỗi giá trị cho nền kinh tế được thụ hưởng từ đấy. Đó cũng chính là tạo giá trị cạnh tranh.

Ngoài ra, bà Vũ Chi Mai cũng nhận thấy những khó khăn sau giai đoạn năng lượng tái tạo phát triển nhanh. Đó là khả năng hấp thụ chưa hết sản lượng điện từ năng lượng tái tạo do hạn chế lưới. Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy và khuyến khích nhà đầu tư trong nước vào truyền tải, về nguyên tắc đã có, vấn đề còn lại là thực hiện và triển khai cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đông Nghi