Quảng Trị: Nâng tầm phát triển năng lượng tái tạo

Ngoài phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, tỉnh Quảng Trị còn thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo với Israel. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực để các dự án lớn được triển khai bởi các tập đoàn lớn, uy tín trong và ngoài nước.

Trước đó, vào tháng 5/2022, tại Quảng Trị, Đại sứ quán Israel đã phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Công nghệ năng lượng tái tạo Israel - Quảng Trị”. Hội thảo này mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Israel và quốc tế.

ong-ha-sy-dong-pct-thuong-truc-ubnd-tinh-quang-tri-phat-bieu-1652845487-1671103961.jpg
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Quảng Trị là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả chiến tranh, đi lên từ bộn bề gian khó, tỉnh Quảng Trị đang có khát vọng vươn lên để hiện thực hóa tầm nhìn phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước dựa trên 3 trụ cột chính là Công nghiệp - Xây dựng, Nông nghiệp và Du lịch - Dịch vụ. Trong đó, công nghiệp năng lượng sẽ là ngành đột phá cho phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Quảng Trị còn có thể trở thành một trung tâm mới về năng lượng sạch của miền Trung, do đây là điểm tiếp nhận khí thiên nhiên từ mỏ Báo Vàng cách đất liền 100km và trong tương lai không xa là mỏ khí Kèn Bầu, có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay mới được phát hiện cách đất liền Quảng Trị 80km. Với gió Tây Nam thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng gió. Đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đạt khoảng 5.000MW điện từ các nhà máy nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện, góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế", ông Hà Sỹ Đồng cho biết thêm.

Hội thảo lần này đã mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Israel và quốc tế. Qua đó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Quảng Trị tìm ra các giải pháp tối ưu trong quá trình vận hành nhà máy năng lượng tái tạo để đảm bảo tính bền vững cho dự án.

dai-su-quan-isarel-phat-bieu-1652845597-1671104105.jpg
Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Israel là quốc gia đang trên con đường trở nên độc lập về năng lượng thông qua các giải pháp tiên tiến về năng lượng tái tạo. Israel hiện có khoảng 100 công ty với các giải pháp đa dạng từ sản xuất, truyền tải, phân phối và lưu trữ năng lượng đến giảm thiểu carbon và năng lượng hydro.

Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam cho rằng, Quảng Trị có rất nhiều dự án điện gió đã và đang vận hành, do đó tin tưởng rằng tỉnh Quảng Trị sẽ là trung tâm năng lượng trong thời gian tới. Israel hiện có có thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, chúng tôi không mạnh về hạ tầng nhưng chúng tôi mạnh về công nghệ với nhiều phần mềm thông minh về quản lý và vận hành các dự án năng lượng. Các công ty Israel tại hội thảo đại diện cho hệ sinh thái tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng bao gồm: Augwind, Brenmiller Energy, mPrest, Ecowave Power và Solar Drones. Chúng tôi tin rằng hội thảo lần này là cánh cửa hợp tác giữa Israel và Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi; hợp tác, ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất hydro bằng nước biển, sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo. Để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tỉnh Quảng Trị hiện đang tập trung kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Hiện thực hoá tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung

Ngày 07/9/2022, tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Báo Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung”.

Theo đó, Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị một cách bền vững, hiệu quả.

Quảng Trị được dự báo có tiềm năng hơn 14.000 MW. Với đặc thù địa hình, khu vực phía Tây của tỉnh sẽ là “thủ phủ điện gió”, khu vực phía Đông phát triển điện khí, điện mặt trời và nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi.

z3702293430581-2e04e5be23c33c606f7f723a738f3df8-1662531218-1671104184.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung”.

Để hiện thực hóa tiềm năng, tỉnh Quảng Trị phải nhận thức được cơ hội về phát triển công nghiệp năng lượng để không bỏ lỡ cơ hội, không để tụt lại phía sau. Nhận diện rõ giá trị phát triển của tỉnh Quảng Trị. Phải coi, phát triển năng lượng tái tạo là cơ hội hạnh phúc cho người dân. Nhưng điều này không dễ dàng thực hiện được bởi đối tượng chính từ những dự án điện gió là nhà đầu tư và ngân sách. Vậy thì làm sao phải thiết kế được cơ chế hài hòa lợi ích, để người dân được hưởng lợi; Phải tận dụng thời cơ, mượn sức của cơ chế, chính sách. Quảng Trị phải chứng minh được “phát triển Quảng Trị chính là giảm bớt áp lực ngân sách cho quốc gia”. Phải coi phát triển Quảng Trị là “nghĩa vụ lịch sử quốc gia”.

Điện gió đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đến nay, đã có 31 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 1.177,2MW. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31 tháng 10 năm 2021 (thời hạn được hưởng cơ chế khuyến khích của Chính phủ). Với kết quả này Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc).

Theo ước tính sơ bộ, mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỉ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Như vậy, với 671,1MW điện gió đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng gần 350 tỉ đồng”.

dien-gio-1669569489-1671104252.jpg
Điện gió đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Trị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, cũng như thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo với Israel, thì tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động, tích cực để triển khai một số dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư cao của các doanh nghiệp, tập đoàn uy tín, lớn trong và ngoài nước như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, 1.500MW của Tổ hợp nhà đầu tư: T&T - HEC - KOGAS – POSKO (53.667,8 tỷ đồng); Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (TBK CTHH) Quảng Trị công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom CH Liên bang Nga.

Đoàn Thuận