Cam sành rớt giá kỷ lục chỉ 1.000 đồng/kg, nông dân "ngậm trái đắng" đành bán lỗ

Từng là một loại nông sản giúp người dân miền Tây ăn nên làm ra, nay những trái cam lại "mang vị đắng". 1kg cam hiện nay tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ còn khoảng 1.000 đồng nhưng cũng không có người mua. Nông dân khóc ròng, chấp nhận bán lỗ, vớt vát đồng nào hay đồng đó.

"Mùa cam đắng"

Cam sành được trồng phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, song huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) được mệnh danh là ''vương quốc cam sành miền Tây" với diện tích canh tác hơn 95.000ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 450.000 tấn. Nhưng vụ cam nghịch mùa đầu năm 2023, các nhà vườn lại lâm vào cảnh điêu đứng khi chứng kiến giá cam lao dốc từng ngày.

Hiện, 60 công cam của ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Hựu Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) đã đến thời gian thu hoạch, trái chín rụng đầy gốc nhưng thương lai bặt tăm. "Giá cam có 1.000 đồng/kg, mà cắt chậm trễ, cắt 1 tấn, 2 tấn là nghỉ", ông Nhơn chia sẻ.

Thực tế trên là tình cảnh chung của các nông dân trồng cam ở miền Tây. Ghi nhận tại xã Thới Hòa (huyện Trà Ôn), địa phương có diện tích cam sành lớn nhất Vĩnh Long, không khí bán mua ở các vườn cam, vựa cam lại rất đìu hiu. Hiện sản lượng thu hoạch từ nay đến hết tháng 3 còn hơn 60.000 tấn. Trong khi đó, nhiều vựa thu mua trái cây buộc phải đóng cửa do không có đầu ra.

Ông Nguyễn Thanh Hải (56 tuổi) có hơn 1ha đất trồng cam sành. Thời điểm này năm ngoái, ông Hải thu hoạch khoảng 150 tấn cam, trừ hết chi phí, thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Hải, vì là lúc nghịch mùa nên giá cam sành khi đó lên đến 16.000-17.000 đồng/kg, nông dân thu lời cao. Sau đó, thấy cam bán được giá nên các hộ trồng cam ùn ùn làm bông cho lứa cam trái vụ năm 2023, hy vọng có được lợi nhuận như thế.

"Từ tháng 11, giá cam sành đã giảm, từ 10.000 đồng/kg xuống còn 5.000-7.000 đồng/kg. Lúc đó người dân không nghĩ đến chuyện cam rớt giá nhiều như vậy nên vẫn cầm chừng, không xuất bán. Bây giờ, giá xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, đành chấp nhận bán lỗ, cố thu hồi được đồng nào hay đồng đó", bà Út (vợ ông Hải) buồn bã nói.

32b531318f4855160c59-1676346092.jpeg

Ảnh minh họa.

Tình cảnh chẳng khác gia đình ông Hải, mấy ngày qua, anh Trần Văn Tuấn Tú (ấp Tường Hưng) như "ngồi trên đống lửa" vì 9,5 công đất trồng cam của anh có nguy cơ lỗ 600 triệu đồng.

Anh Tú cho biết, trồng cam hơn chục năm nhưng chưa bao giờ anh Tú thấy cảnh cam sành bị rớt giá thê thảm đến thế. Để trồng một vụ cam, nhà nông phải mất từ 8 tháng đến 1 năm. Các công đoạn như lên líp, xuống giống, xử lý ra hoa... đều phải mướn nhân công nên chi phí sản xuất rất cao. Bình quân một công cam sành tốn trên dưới 120 triệu đồng.

"Tôi có đất vườn nên chi phí trồng một công cam sành khoảng 80 triệu đồng. Hiện giờ cam tại vườn tôi bán 2.000 đồng/kg, mỗi công cắt được 10 tấn cam, tính ra lỗ 60 triệu đồng. Năm nay nhà vườn càng trồng nhiều càng lỗ nặng", anh Tú rầu rĩ nói.

Không nên chờ giá lên mới bán

Anh Huỳnh Văn Năm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hòa cho hay, toàn xã có gần 1.700ha cam sành. Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch cam nghịch mùa nhưng vì giá bán thấp, nhiều nhà vườn chưa xuất bán. Trước giờ cam sành của người dân được tiêu thụ ở nội địa là chủ yếu, nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội...

Khó khăn của nông dân hiện nay là cam không bảo quản được lâu, từ lúc chín trung bình chỉ giữ được khoảng 1 tuần. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán đầu ra cho trái cam không hề là chuyện dễ.

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn cho biết, nguyên nhân việc cam sành bị ùn ứ có thể do thị trường miền Bắc chưa tiêu thụ kịp vì trời lạnh và cam sành bung ra lúc này đang trùng với mùa thu hoạch một số giống cam của miền Bắc, Trung.

"Hiện Nhà nước vẫn chưa có chính sách trợ giá cho bà con. Trước mắt, ngành chức năng đã đưa cam sành lên sàn thương mại điện tử, dự kiến sẽ tiêu thụ được khoảng 60 tấn cho bà con. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên chờ giá lên mới bán", ông Tám thông tin.

Đầu ra không đảm bảo nên nông dân không còn mặn mà với cây cam. Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, diện tích cam chỉ còn gần 2.900 ha. Con số này đã giảm gần 600 ha so với cùng kỳ. Không ít bà con chuẩn bị đốn bỏ cam để tìm cơ hội mới.
Thi Nguyên (t/h)