Cam sành giá dưới 5.000 đồng/kg, bài học từ việc trồng cam ồ ạt

Cam sành là cây ăn trái có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thời gian qua ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) do có thời điểm lợi nhuận từ cây ăn quả này mang lại khá hấp dẫn, bình quân từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Từ đó nhiều người đã đổ xô trồng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên giá cam sành giảm mạnh như hiện nay.
cam-sanh-vinh-long-4-1719218621.jpg
Cam sành là cây ăn trái có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thời gian qua ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). (Ảnh minh họa)

Cam sành dưới 5000 đồng/kg, nhà vườn lo lắng vì thua lỗ

Những ngày này, ông Thạch Chiên ở xã Trà Côn (huyện Trà Ôn) cùng nhiều người trồng cam khác tại địa phương như “ngồi trên đống lửa” vì giá cam sành chỉ còn vài ngàn đồng một kí, trong khi vườn cam của họ đã đến thời điểm thu hoạch.

Ông Chiên cho biết gia đình đang trồng 30 công cam sành, trong đó 10 công là đất nhà, còn lại là đất thuê. Vụ cam năm nay ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng 500 triệu đồng. Hiện cam sành đã tới ngày thu hoạch nhưng lái báo giá thu mua chỉ 4.000 đồng/kg. Với giá này, xem như vụ cam năm nay ông Chiên lỗ nặng.

"Tôi nhẩm sơ các khoản đầu tư gồm cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, lên liếp... mức chi phí đầu tư đã là 8.000 đồng mỗi ký cam. Như thế vụ này tôi lỗ gần 400 triệu đồng, không biết tiền đâu để trả ngân hàng", ông Chiên nói.

Ông Chiên cho biết thêm, từ đầu năm đến nay cam sành đứng giá từ 5.000 đồng/kg trở xuống. Các lái buôn cam thường ưu tiên thu mua những vườn có quả đẹp và gần đường lớn để dễ vận chuyển, thậm chí những vườn trái nhỏ, nằm xa mặt lộ cũng khó tìm người mua.

cam-sanh-vinh-long-5-1719218594.jpg
Huyện Trà Ôn có khoảng 10.400ha đất trồng cam sành, trong đó khoảng 1/3 diện tích là nông dân thuê đất ruộng để canh tác. (Ảnh minh họa)

Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, hiện địa phương có khoảng 10.400ha đất trồng cam sành, trong đó khoảng 1/3 diện tích là nông dân thuê đất ruộng để canh tác. Bên cạnh người trồng cam thua lỗ, người cho thuê đất cũng rơi vào hoàn cảnh không mấy khả quan.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn) chia sẻ, gia đình cho người từ địa phương khác thuê 1ha để trồng cam với giá 9 triệu đồng/công/năm. Tuy nhiên, do cam sành liên tục rớt giá, người thuê đất chỉ thanh toán được 50% tiền thuê trong năm đầu, sau đó mất khả năng chi trả.

"Dù tôi đã gia hạn thời gian nhưng họ vẫn không thể trả, sau 2 năm họ bỏ của chạy lấy người. Sau đó, tôi lấy lại đất cho người khác thuê lại để tiếp tục trồng, chăm sóc vườn cam với giá 3 triệu đồng/công/năm. Tính ra, gia đình tôi mất trên dưới 200 triệu đồng trong 4 năm vì không lấy được tiền thuê đất của người thuê trước, phần vì phải cho thuê lại với giá rẻ hơn”, ông Tuấn thở dài.

Ồ ạt mở rộng diện tích, khiến cam sành mất cân đối cung cầu

Chia sẻ về nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh, nhiều thương lái cho rằng những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Cùng với đó, hiện cam có trái quanh năm, không còn phân biệt mùa thuận hay mùa nghịch.

Hơn nữa, một số thời điểm việc tiêu thụ cam sành ở thị trường miền Bắc rất khó khăn do trùng với mùa thu hoạch một số giống cam của miền Bắc, miền Trung, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng với tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020.

cam-sanh-vinh-long-3-1719218688.jpg
Từ đầu năm đến nay cam sành đứng giá từ 5.000 đồng/kg trở xuống. Các lái buôn cam thường ưu tiên thu mua những vườn có quả đẹp và gần đường lớn để dễ vận chuyển. (Ảnh minh họa)

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết: “Sau thời gian tăng diện tích nhanh chóng, cam sành hiện nay giảm giá mạnh làm cho tốc độ trồng cam sành cũng vụt tắt. Dự báo do cam rớt giá, sắp tới diện tích đất trồng cam sành của tỉnh sẽ giảm mạnh. Nông dân có thể phá bỏ cây cam già, cam không hiệu quả để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Người trồng cam sành lỗ vốn nặng hiện nay có mấy nguyên nhân: Giá cam sành giảm quá mạnh trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các vật liệu dùng để bơm tát, công lao động, giống, cùng với cây để chống đỡ khi cây cam mang trái tăng lên. Bình quân giá thành sản xuất gần 8.000 đồng/kg, quy ra giá trị đầu tư trên 350 triệu đồng/ha. Một số nông dân thuê đất trồng cam với chi phí từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm. Tất cả làm cho nông dân thiệt hại nặng khi đầu tư trồng cam sành.

Một mối nguy của người trồng cam sành là sản phẩm này cho đến giờ chỉ tiêu thụ nội địa, chưa xuất khẩu đi đâu được. Vì vậy, khi cung quá cầu trong nội địa thì sẽ rất khó khăn”.

Để tìm lại vị thế cho cây cam sành, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các địa phương nên quy hoạch lại vùng trồng cam sành để tránh tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư vào dự án khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ trái cam sành (như nước ép, mứt, tinh dầu...). Đồng thời đề xuất Bộ NN&PTNT đàm phán xuất khẩu chính ngạch cam sành sang Trung Quốc và các nước khác để phát triển ổn định./.

Bình Nguyên