Ghi nhận cho thấy, khoảng nửa tháng nay, cam sành tại Vĩnh Long rớt giá mạnh, chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg. Nông dân như ngồi trên đống lửa bởi hàng chục nghìn ha cam sành bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Nếu không có người mua nhà vườn sẽ phải cắt bỏ, còn để tự rụng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng cam vụ sau.
Theo đó, hoạt động “giải cứu” cam sành lại được tổ chức rầm rộ. Các cá nhân, tổ chức, siêu thị, sàn thương mại điện tử đã chủ động tham gia bán “cam giải cứu” giúp người dân.
Trên dọc các tuyến đường và các chợ cũng như tất cả các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, cam sành Vĩnh Long được ưu tiên trưng bày tại khu vực trung tâm của quầy trái cây nhằm thu hút khách hàng với giá chỉ từ 12.900-19.900 đồng/kg tùy khu vực.
Ngoài cam sành bị rớt giá thảm hại, trên thị trường còn ghi nhận các loại bưởi Diễn, bưởi da xanh giá cũng rẻ như cho.
Đơn cử, tại Hà Nội nhiều nơi đang rao bán bưởi Diễn với giá chỉ 3.000-8.000 đồng/quả. Mức giá có thể nói là rẻ nhất từ trước tới nay.
Chị Hoàng Thị Ngọc, đầu mối bán trái cây ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị bán bưởi Diễn trồng ở Hoà Bình với giá 200.000 đồng/bao 60 quả. Một ngày chị tiêu thụ hết 60-80 bao bưởi.
Bưởi da xanh trước đây được coi là mặt hàng đắt đỏ, tuy nhiên hiện nay giá cũng rẻ như rau. Trên thị trường, cửa hàng rao bán bưởi da xanh size 0,9-1 kg/quả có giá từ 16.000-19.000 đồng/quả. Trước Tết Nguyên đán 2023, giá loại bưởi này cũng chỉ ở mức 23.000-30.000 đồng/quả tuỳ size.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, đây là hậu quả của việc người dân ồ ạt trồng dẫn tới cung vượt cầu, phải bán giá rẻ.
Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch. Đặc biệt, mấy năm qua giá cam sành tăng cao, có thời điểm lên đến 35.000-40.000 đồng/kg nên bà con đổ xô trồng dẫn tới diện tích cam phát triển rất mạnh, vượt diện tích quy hoạch của tỉnh. Đây là nguyên nhân chính khiến cam sành rớt giá, nhiều nơi đang phải hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân.
Đã qua thời chạy đua sản lượng, không thể cứ trồng theo kiểu tự phát, dư thừa rồi lại “giải cứu”. Người dân cần phải chú trọng chất lượng, quy trình trồng, làm thương hiệu,... để tăng giá trị sản phẩm nông sản nói chung và các loại cam, bưởi nói riêng.
Theo thống kê, diện tích cây có múi ở nước ta hiện khoảng 267.000ha. Trong đó, lớn nhất là diện tích bưởi lên tới 105.400 ha, sản lượng gần 905 nghìn tấn; diện tích cam khoảng 94.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn; còn lại là quýt và chanh.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi tăng mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Bắc, giai đoạn 2009-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân cây ăn quả có múi đạt 10%/năm về diện tích (tương ứng 7.300 ha/năm), tăng 12,5%/năm về sản lượng (69.400 tấn/năm). Nguyên nhân là do giai đoạn 2008-2018, cây ăn quả có múi cho thu nhập rất cao. Trung bình 1ha có thể thu về 300-600 triệu đồng. Nhiều người trở thành tỷ phú nhờ trồng cam, bưởi. Nông dân thấy vậy liền đổ xô trồng.