Tận dụng cơ hội từ EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong đó, dịch vụ logistics có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với các hiệp định thương mại khác.Thông qua việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU, EVFTA giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành Logistics Việt Nam.
Ngoài ra, những cam kết mở của Hiệp định là động lực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư EU tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu.
Bên cạnh cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại. Sự chênh lệch về năng lực khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics của EU, vốn rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong đó hiện nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker của Đức, tập đoàn Maersk của Đan Mạch...
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển dẫn đến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước. Bên cạnh đó, hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế của EU; các mặt hàng xuất nhập khẩu cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là những nhóm hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường.
Sau hai năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã có tác động như thế nào đến ngành logistics? Làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn những cơ hội cũng như thích ứng với những thách thức từ việc thực thi EVFTA?
Tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA”, ông Mai Trần Thuật - Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group chia sẻ, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam. Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp của EU đã đầu tư nhiều vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics có thêm việc làm và doanh thu trong giai đoạn hậu Covid-19. Nhìn chung, các cam kết của EVFTA trong lĩnh vực dịch vụ so với một số các hiệp định khác có nhiều điểm nổi bật hơn, có mức độ mở cửa thị trường cao hơn.
Tăng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh
Chia sẻ về những giải pháp của BeeLogistics, ông Mai Trần Thuật cho biết, Bee Logistics đã đẩy mạnh kết nối với đối tác là những công ty lớn của EU để là một phần trong chuỗi cung ứng của họ tại thị trường Việt Nam. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực để tiếp cận công việc trong bối cảnh mới. Hiện Bee Logistics cũng đang tìm đối tác để hợp tác, thậm chí đặt các văn phòng đại diện ở châu Âu để tiếp cận trực tiếp nguồn khách hàng từ phía châu Âu. Đồng thời cũng tìm cơ hội liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, học tập công nghệ hiện đại của họ để áp dụng vào công việc của mình.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Sau khi Việt Nam ký EVFTA thì khối lượng thương mại hàng hóa trao đổi cũng gia tăng trong đó thì có những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn như dệt may, da giày, thủy sản… Để đưa được những mặt hàng này đến khu vực thị trường EU với chi phí hợp lý và giá thành cạnh tranh, đảm bảo thời gian, cần có nhiều giải pháp, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong vận hành dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp logistics của EU có một lợi thế là quy mô lớn, kinh nghiệm hoạt động lâu năm, trong đó có những doanh nghiệp lớn của EU hiện nay cũng đã có mặt tại Việt Nam như DHL, Maersk... Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam lại chủ yếu nằm trong lĩnh vực về giao nhận và các thủ tục trợ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tương quan giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU chưa đồng đều. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nhận biết được vị trí của mình để có sự phấn đấu và vươn lên, thông qua sự liên doanh, liên kết; hoặc có thể bắt đầu từ vai trò đại lý cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Ông Trần Thanh Hải khẳng định, với một thị trường có quy mô rộng lớn cũng như tốc độ tăng trưởng lên đến 24% như khu vực EU thì đây là cơ hội hết sức to lớn cho cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp logistics. Bên cạnh đó, logistics là một lĩnh vực có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ. Đây cũng là một trong những chìa khóa để giúp cho doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp nào dựa được vào công nghệ, ứng dụng được công nghệ tốt thì sẽ có khả năng vượt trội và vươn xa hơn.
Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về những khó khăn, thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Đó là số lượng doanh nghiệp trong nước nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong nước, cần bắt đầu từ khâu quy hoạch. Việt Nam đã có quy hoạch, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Để giảm chi phí logistics hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, liên kết, trong đó phát huy được vai trò chủ đạo của đường sắt - phương tiện vận tải có năng lực vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chi phí thấp./.