Các số liệu thống kê chuyên ngành tổ yến (yến sào) cho thấy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, con số nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc tăng lên theo từng năm.
Nếu như năm 2019, số lượng tổ yến nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là 180 tấn thì năm 2020 đã tăng lên 220 tấn và con số tổ yến nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc năm 2021 ước tính khoảng 300 tấn.
Được biết, Trung Quốc quản lý chặt chẽ yến nhập khẩu chính ngạch bằng tem truy nguyên nguồn gốc CAIQ. Ở Đông Nam Á hiện mới có Malaysia, Indonesia, Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào thị trường này.
Tại Việt Nam, dù mới chỉ phát triển từ khoảng năm 2010 đến nay nhưng nghề nuôi yến đang phát triển mạnh ở một số địa phương có tiềm năng, số lượng nhà yến không ngừng tăng. Hiện sản lượng tổ yến của Việt Nam chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong 5 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh trên 42 tỉnh, thành phố cả nước, từ Hải Phòng đến Cà Mau; trong đó, tập trung nhiều nhất tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổ yến của Việt Nam đạt khoảng trên 70 tấn, đã xuất sang Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc…, với giá trung bình 1.500 – 2.000 USD/kg thành phẩm, thu về 100 đến 125 triệu USD/năm.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Phương Tuấn – Giám đốc Công ty Tổ Yến Việt Nam – VinBirdnest cho biết, để đưa được tổ yến vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đã phải lặn lội chào hàng từ những ngày đầu tiên. Việc ký nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở ra cơ hội rất lớn cho nghề nuôi yến ở Việt Nam, tăng thêm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với thị trường đông dân nhất thế giới này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, Việt Nam có một điều kiện đặc biệt là gần Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tự nhiên như bờ biển dài, nhiều vịnh, đầm, phá…rất thuận lợi để phát triển ngành nuôi yến.
Theo đó, trong suốt 3 năm qua, Bộ NN&PTNT đã đưa vào chiến lược và kiên trì để đưa loại thực phẩm này vào Trung Quốc.
“Kết quả đến nay là nghị định thư giữa hai nước đã được hoàn tất và Bộ NN&PTNT đã chính thức khởi động xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc”, ông Hoan cho biết thêm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sẽ kích hoạt chuỗi ngành hàng này và nó cần được cấu trúc lại để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giúp thu nhập của người nuôi yến và doanh nghiệp chế biến yến tăng cao, bền vững hơn so với xuất khẩu tiểu ngạch.
Được biết, ngay sau khi ký hoàn tất nghị định thư, Bộ NN&PTNT đã giao các đơn vị chức năng xúc tiến sớm để tổ chức hội nghị quán triệt, thông tin đầy đủ đến các hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân địa phương trọng điểm nuôi yến các quy định theo nghị định thư như: các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu...
Đối với các Hiệp hội, Hội và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, các địa phương để khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện: Chương trình giám sát bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn (Newcastle) trên chim yến; Kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, về lâu dài, Bộ sẽ chỉ đạo để có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu tổ yến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác.
Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao.