Doanh nghiệp xuất khẩu cao su "khóc ròng" với chính sách thuế

Tại hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững tổ chức ở TP.HCM. Theo số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), chỉ tính riêng 5 doanh nghiệp (DN), số tiền hoàn thuế VAT chưa được giải quyết đã lên đến 289 tỉ đồng, chưa tính tiền lãi vay ngân hàng.

Tại buổi hội thảo, vấn đề bức xúc nhất được đưa ra là doanh nghiệp xuất khẩu cao su chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khi doanh nghiệp "được hiểu" sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu nhưng thời gian chờ phải từ 4-9 tháng; đã có trường hợp còn lâu hơn, có doanh nghiệp còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng được tiềm năng sản lượng của hơn 265.000 hộ tiểu điền (chiếm trên 60% sản lượng cả nước), trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm.  

s-1668149920.PNG
Thời gian hoàn thuế VAT quá lâu khiến các doanh nghiệp cao su không có vốn để sản xuất. (Nguồn ảnh: phr.vn)

Theo Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng Công ty TNHH TM Hòa Thuận, tiền hoàn thuế VAT là tiền của DN đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu. Khi DN đã thực hiện xuất khẩu xong thì phải trả lại cho DN để lấy vốn quay vòng mới. Đằng này DN đã ứng trước nộp vào ngân sách nhưng khi làm hồ sơ hoàn thuế thì... như đi xin.

Bà Thu cho biết gần đây cơ quan thuế đòi hỏi thêm rất nhiều thủ tục làm kéo dài quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, như yêu cầu các ngân hàng mà DN mở tài khoản phải cung cấp thông tin về việc thanh toán tiền hàng cho công ty. 

Sau đó cơ quan thuế thanh tra tới lui không ra được biên bản kết luận thanh tra, làm kéo dài quá trình hoàn thuế. Số tiền thuế VAT từ tháng 12-2021, tháng 1-2022 đến nay vẫn chưa được hoàn đã lên đến 50 tỉ đồng. Do càng xuất càng tồn đọng thuế nên doanh số xuất khẩu của DN đã giảm đến hơn 90% so với cùng kỳ.

Còn theo ông Trang Việt Hùng – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH phát triển PTN (TP.HCM), vấn đề vướng mắc lớn nhất của công ty ông là khâu hoàn thuế VAT. Công ty PTN đã nhiều lần gửi kiến nghị ngành chức năng nhưng chậm hoặc không được trả lời. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu cao su rất chậm được hoàn thuế.

Đại diện Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hoa Sen Vàng cho biết số thuế VAT chưa hoàn của công ty lên đến hàng trăm tỉ từ tháng 10-2021 đến nay. 

cs-1668149224.jpg
Hiệp hội cao su Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN. (Nguồn ảnh: phr.vn)

Tập hợp ý kiến các đơn vị, VRA đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác.

Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi. Tuy nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế trong khi cây cao su lại phải chịu mức thuế cao. Sự thiếu đồng bộ về chính sách thuế đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thủy hải sản.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, nhận định: “Qua buổi hội thảo, các Bộ ngành đã ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ngành cao su. Thời gian tới, VRA sẽ là cầu nối doanh nghiệp cao su với các Bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp ngành cao su phát triển ổn định. Bên cạnh đó, Hiệp hội cao su Việt Nam và Tập đoàn cao su Việt Nam phối hợp cùng Bộ NN & PTNT hoàn thiện đề án chiến lược ngành cao su Việt Nam định hướng đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Khánh Ngân