Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Sức bật của những 'tân binh'

Năm 2022, tình hình thế giới nhiều khó khăn đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục với sự trở lại đường đua tỷ đô của nhiều nhóm hàng và sự xuất hiện của những 'tân binh' như viên nén gỗ, cá tra…
phu-pham-1668037616.jpg
Nhiều phế liệu ngành gỗ đang được tận dụng tối đa vào sản xuất dăm và viên nén - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thiết lập kỷ lục mới, chạm mốc 55 tỷ USD?

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính đạt trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%.

Đáng chú ý, do sức mua lớn từ thị trường, có tới 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (gốm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%); cao su 2,8 tỷ USD (tăng 11,2%); gạo trên 2,9 tỷ USD (tăng 7,4%); hồ tiêu 829 triệu USD (tăng 4,7%); sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD (tăng 16,5%), cá tra trên 2,2 tỷ USD (tăng 76,5%), tôm 3,8 tỷ USD (tăng 20,3%), gỗ và sản phẩm gỗ 13,5 tỷ USD (tăng 11,4%);…

Cho đến nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 25,4% thị phần.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD (chiếm 18,5% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 7,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,1 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dù thị trường thế giới biến động khó lường nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam khá thuận lợi, thị trường ngày càng đa dạng.

"Với những diễn biến thị trường như hiện nay chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ đạt và vượt chỉ tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản mà Chính phủ giao, có thể chạm mốc 50-55 tỷ USD", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Kết quả xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều khó khăn là nhờ các ngành chức năng đã nỗ lực cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ nông sản.

Sức bật của những "tân binh"

Có thể thấy, cuộc xung đột Nga-Ukraine cộng với lạm phát toàn cầu khiến xuất khẩu nhiều loại nông, lâm, thủy sản gặp khó nhưng cũng tạo ra cơ hội cho nhiều mặt hàng mở rộng xuất khẩu, có thể kể đến cá tra, viên nén gỗ, những "tân binh" mới nổi của thị trường.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tính đến cuối tháng 10 năm 2022 đã đạt trên 2,2 tỷ USD. Trong đó, riêng trong tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 218 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng mặt hàng cá tra tăng mạnh doanh số xuất khẩu đi các thị trường. Đa số các thị trường đều tăng từ 40-200% nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 30%, Mỹ chiếm 23%. Với riêng cá thịt trắng, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, sau Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc cung cấp chủ yếu cá rô phi cho Mỹ và vẫn duy trì vai trò của nước chuyên gia công, chế biến các loài cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái cho thị trường Mỹ, thì Việt Nam vẫn giữ vị trí "độc tôn" với mặt hàng cá tra tại Mỹ.

Toàn cầu đang lên "cơn sốt" viên nén khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần, trong khi nguồn viên nén, khí đốt từ Nga bị gián đoạn đã tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào cuộc đua đưa giá trị xuất khẩu viên nén đạt 1 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tại khu vực châu Á tăng mạnh là do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh 2 thị trường này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.

Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến nhu cầu viên nén gỗ tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I), năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu 2022, xuất khẩu mặt hàng này cán mốc đạt gần 3,5 triệu tấn đạt 542,32 triệu USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.

Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: Cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.

"Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022", ông Nghĩa cho biết.