Quảng cáo #128

Các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải.

Ngày 27/12, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải.

xu-ly-rac-thai-3-1735288001.jpg
Sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải.(Ảnh minh họa)

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải

EPR là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022 và tái chế, đóng góp tài chính cho hoạt động này từ 1/1/2024.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Mức đóng được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.

Với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp có thể tự làm hoặc hợp tác với các tổ chức khác để tái chế, hoặc đóng góp tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành định mức về khoản phải nộp này.

Theo quy định, khoản thu từ trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải hay tái chế sẽ dành cho các hoạt động liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng nguồn tiền này công khai và đúng mục đích.

xu-ly-rac-thai-2-1735287964.jpg
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022 và tái chế, đóng góp tài chính cho hoạt động này từ 1/1/2024.(Ảnh minh họa)

Thông tin tới báo chí, ông Phan Tuấn Hùng cho biết theo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022.

Đối tượng phải đóng góp tài chính thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì (như bao bì thuốc bảo vệ thực vật); pin dùng một lần các loại; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; các sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp.

Đến thời điểm ngày 26/12, các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Số tiền này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng công khai.

Theo ông Hùng, tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải không phải là thuế, phí môi trường, bởi thuế và phí môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước, sử dụng cho các mục đích khác nhau và được điều chỉnh bởi pháp luật về thuế, phí. Tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu hỗ trợ xử lý chất thải là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng cho mục đích khác).

Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải là công khai, minh bạch, đúng mục đích, trong đó các hoạt động xử lý chất thải được hỗ trợ bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

EPR tạo cơ hội chưa từng có cho ngành tái chế Việt Nam

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết theo dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ xử lý chất thải, có 2 đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật là chính quyền địa phương có các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chính sách EPR đã đạt thành công bước đầu khi nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu thay đổi thiết kế bao bì thân thiện môi trường hơn, thay vì nộp tiền để thu gom và xử lý bao bì thiếu bền vững, theo ông Hùng.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng thúc đẩy đầu tư vào ngành tái chế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu thị trường này ở Việt Nam, gồm tái chế cả rác bao bì giá trị thấp.

"EPR tạo cơ hội chưa từng có cho ngành tái chế Việt Nam", ông Phan Tuấn Hùng nói, thêm rằng các dự án và hoạt động tái chế tới đây sẽ được hưởng ưu đãi về thuê đất, tín dụng và trợ giá.

xu-ly-rac-thai-4-1735288073.jpg
Chính sách EPR đã đạt thành công bước đầu khi nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu thay đổi thiết kế bao bì thân thiện môi trường hơn và thúc đẩy đầu tư vào ngành tái chế. (Ảnh minh họa)

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể, với mức phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định; gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định; nộp số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải còn thiếu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

“Để đảm bảo thực thi nghiêm túc quy định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đồng thời bảo đảm công bằng giữa các nhà sản xuất, nhập khẩu”, ông Hùng nhấn mạnh./.

Bình Châu