Quảng cáo #128

Thủ tướng: Trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5%-4%, xuất khẩu 70 tỷ USD

Dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng những thành quả của ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5%-4%, tổng kim ngạch xuất khẩu 70 tỷ USD.

Chiều 27/12, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị, cùng dự có Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các Bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương.

phat-trien-nong-nghiep-5-1735304572.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD lập kỷ lục mới

Thông tin tại Hội nghị cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để gặt hái nhiều thành tựu nổi bật.

Trong năm 2024, nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục là điểm sáng, phát triển ổn định, thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt 04/05 chỉ tiêu Chính phủ giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3,0 -3,2%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 55 tỷ USD và lập mức kỷ lục mới.

phat-trien-nong-nghiep-2-1735304619.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm công nghệ trong ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế cả nước.

Trong đó, giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản (NLTS) đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).

phat-trien-nong-nghiep-4-1735304659.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành NN&PTNT tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD; Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch là 60%.

Trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5%-4%

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và trân trọng những thành quả của ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh đó Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5%-4%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Tôi đề nghị thứ nhất là phải tập trung lãnh đạo chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, xây dựng thể chế xây dựng cơ chế, chính sách; tháo gỡ những nút thắt về thể chế về cơ chế, chính sách để phát triển ngành của chúng ta nhanh bền vững; Thứ hai là đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ cho kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn;

Thứ ba, góp phần đắc lực hiệu quả để thực hiện chống biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập úng; Thứ tư là người nông dân thì phải được ấm no và hạnh phúc hơn, nông thôn thì phải hiện đại hơn, nông nghiệp thì phải tiên tiến hơn. Vì vậy, cho nên tôi đề nghị chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp là 3,5% đến 4%; xuất khẩu xác định 70 tỷ USD; tỷ lệ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là trên 60%; tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%".

phat-trien-nong-nghiep-7-1735304711.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đặc biệt về triển khai kế hoạch phát triển Ngành Nông nghiệp trong năm 2025 trong đó việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế Thủ tướng yêu cầu, không được bỏ sót, chồng chéo, chức năng nhiệm vụ phải hoàn thiện chức năng nhiệm vụ đầy đủ hơn, toàn diện hơn, hạn chế giao thoa. Cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền, kiểm soát quyền lực; bỏ khâu trung gian, tránh phiền hà sách nhiễu cho người dân doanh nghiệp và phải công khai minh bạch, áp dụng chuyển đổi số, không cứng nhắc, phải linh hoạt.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng cường phân cấp phân quyền, xây dựng chiến lược, quy hoạch phải làm nhanh, bài bản, phải tận dụng thời gian trí tuệ và phải quyết đoán. Vì theo Thủ tướng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, bền vững, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết 5 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biển và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

phat-trien-nong-nghiep-3-1735304763.jpg
Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển thị trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành nông nghiệp phải mạnh; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thẩm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn hôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Rà soát quy trình quản lý nhà nước có liên quan để cắt giảm thủ tục, minh bạch hóa thông tin, thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý chuyên ngành của bộ.

Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và tăng cường chế biến sâu; cương quyết gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2025; Phát triển bền vững lâm nghiệp trong đó tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, phát triển du lịch rừng;

Thay đổi cách làm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, tinh thần là phân cấp phân quyền theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, trong việc xóa nhà tạm nhà dột nát ở vùng nông thôn là ai có gì giúp đấy.

Cùng với đó đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng rằng ngành ngành Nông nghiệp trong năm 2025 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; nước ta trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sinh thái, tuần hoàn, phát triển bền vững, minh bạch, trách nhiệm. Nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn. Nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn. Ngành nông nghiệp, nông thôn và tài nguyên có khát vọng cao hơn, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Bình Châu