Cà Mau: Tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế nông nghiệp của Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động sản xuất mà còn cả đầu ra sản phẩm. Trong điều kiện đó, Cà Mau đang nổ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo đà cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững trong tình hình mới.
9c8711ddde9e37c06e8f-1637657265.jpg
Khu du lich Mũi Cà Mau góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu đến các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Cà Mau.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, việc mua bán, cung ứng giống, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao do phát sinh thêm chi phí xét nghiệm, vận chuyển, ngược lại giá cả tiêu thụ nông sản giảm… Những vấn đề trên khiến ngành nông nghiệp Cà Mau đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đối với lĩnh vực thủy sản, người dân chưa tiếp cận hiệu quả với chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển sản xuất; nhiều loại hình sản xuất đạt hiệu quả về sản lượng, chất lượng nhưng không mang lại giá trị lợi nhuận như mong muốn; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,...

Đối với lĩnh vực trồng trọt, do tình hình thời tiết diễn biến khó lường dự báo ảnh hưởng đến sản xuất, nguy cơ thiệt hại do triều cường, hạn hán xâm nhập mặn có thể xảy ra. Vụ mùa (lúa tôm, lúa mùa), vụ Đông Xuân 2021 – 2022, người dân canh tác bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá phân bón tăng gấp từ 2 – 3 lần so với cùng kỳ,...

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm thì tình hình thu mua và tiêu thụ sản phẩm lúa của hợp tác xã sẽ tiếp tục khó khăn. “Mọi năm, đến giai đoạn này đã có nhiều doanh nghiệp đặt cọc thu mua sản phẩm, nhưng hiện nay chưa thấy động tĩnh gì. Trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao so với mọi năm. Đơn cử như chi phí phân bón đã tăng từ 50% trở lên, chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển cũng đều tăng hơn”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Không thể phủ nhận, những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã có những bước tiến quan trọng, nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá lớn, chất lượng cao. Trong số đó, việc thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá năng suất, chất lượng đang là hướng đi mà địa phương đang hướng đến.

Thế nhưng, trước tác động của dịch COVID-19, các hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi đứng trước nhiều thách thức to lớn. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sản xuất do dịch bệnh gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất. Lưu thông, thu mua, vận chuyển hàng hoá cũng vô cùng khó khăn, chi phí tăng cao. Một số thị trường tiêu thụ truyền thống, đối tác lâu năm dừng nhập hàng do dịch bệnh.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, dù nền sản xuất đã có nhiều bước tiến quan trọng, thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, qua tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, giá trị của ngành nông nghiệp giảm gần 2.000 tỷ đồng; trong đó, giảm mạnh nhất là lĩnh vực thuỷ sản.

“Theo kế hoạch, giá trị ngành nông nghiệp trong năm 2021 là hơn 13.800 tỷ đồng. Sản lượng sản phẩm có thể đạt được nhưng giá trị thì khó. Hiện nay, ngành đã phối hợp với các sở, ngành để tìm giải pháp nâng cao sản lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh để bù đắp lại giá trị dự kiến thiếu hụt; phấn đấu quyết liệt để đạt thấp nhất 98% so với kế hoạch”, ông Lê Thanh Triều phân tích.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối

Thực tế, sản phẩm nông nghiệp do nông dân, hợp tác xã làm ra luôn đối diện với điệp khúc “được mùa, mất giá”. Nguyên nhân chủ yếu là không kết nối được đầu ra ổn định, thực tế này lại càng rõ ràng hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, khiến các hoạt động kết nối, giao thương truyền thống gần như “đóng băng”. Nhằm tháo gỡ vấn đề này, tỉnh Cà Mau đang quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển sản xuất phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch 146/KH-UBND về Truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2021. Theo đó, Cà Mau đặt mục tiêu là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử. Từ đó, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, tăng tính kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nhằm nâng tầm giá trị nông sản Việt nói chung, nông sản của tỉnh Cà Mau nói riêng qua nền tảng thương mại số.

Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, trong Kế hoạch triển khai thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm 2021, Sở đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP và 5 cửa hàng tiện lợi, phát triển các kênh phân phối tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hỗ trợ website thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Mục tiêu đến cuối năm, ngành hỗ trợ ít nhất 70 doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến, đảm bảo lưu thông, cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa; gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo sản xuất và tiêu thụ, không để đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa.

Bên cạnh đó là đảm bảo mục tiêu thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất khẩu về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhu cầu biến động của thị trường ngoài nước, các tiêu chuẩn, điều kiện của các nước. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối và xúc tiến xuất khẩu.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để khôi phục sản xuất, phát triển ngư, nông, lâm nghiệp, đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến từ nay đến cuối năm, Cà Mau tiếp tục tăng cường truyền thông phòng, chống dịch hiệu quả. Cùng đó, theo dõi, kiểm soát giá cả nông sản, dịch vụ nông nghiệp; tổ chức rà soát, chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, địa phương sẽ chủ động tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm thì Cà Mau đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh tăng cường hoạt động thương mại điện tử, vận hành và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử.

"Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các hoạt động kết nối truyền thống bị gián đoạn, thông qua nền tảng thương mại điện tử, Cà Mau xem đây là giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường thương mại nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, các kênh phân phối…", ông Lê Văn Sử thông tin./.