Biện pháp “giải quyết tận gốc” để Việt Nam sớm được gỡ thẻ vàng IUU

Để chống lại tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, vai trò của tổ chức cộng động cần phải được nâng cao, để sớm có ngày Việt Nam được gỡ thẻ vàng IUU từ Ủy ban châu Âu (EC).

Việt Nam đã bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) từ tháng 10/2017. Việt Nam bị rút "thẻ vàng", đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Sau hơn 4 năm bị rút thẻ vàng, Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành. Phía EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng.

Nhưng để sớm được EC gỡ thẻ vàng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là lý do vào ngày 9/6, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức diễn đàn đối thoại "Tăng cường vai trò tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) tại vùng biển ven bờ" tại Quảng Ngãi.

iuu1-1654935134.jpg
Diễn đàn đối thoại "Tăng cường vai trò tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) tại vùng biển ven bờ" được tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 9/6

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định việc tổ chức cộng đồng tại các địa phương có vai trò to lớn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt thủy sản ven bờ; chống lại tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp – IUU và các tổ chức cộng đồng này đang làm việc rất hiệu quả, ngày một được nhân rộng.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, từ năm 2019 đến nay các địa phương đã thành lập rất nhiều tổ chức cộng đồng. Điển hình có thể kể đến: Hà Tĩnh 15 tổ chức, Bình Định 4 tổ chức, Bình Thuận 3 tổ chức với hàng trăm người/tổ chức tham gia; ngoài ra các địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên đang triển khai xây dựng.

Chính nhờ những tổ chức cộng đồng ở địa phương này, rất nhiều vụ vi phạm IUU đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày một cạn kiệt, tiến tới nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản do EC áp dụng với Việt Nam.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2021, tỉnh đã phát hiện 373 vụ vi phạm IUU, xử phạt 3,8 tỉ đồng, còn 6 tháng đầu năm 2022 có 94 vụ, xử phạt 1,7 tỉ đồng.

Còn theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh đã thành lập được 15 tổ chức cộng đồng nghề cá ven bờ với 1.654 thành viên và giao quyền cho họ tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích vùng biển 1.564/1.800 km2 (khoảng 86% diện tích vùng biển ven bờ). Mỗi năm tổ chức cộng đồng phối hợp đồn biên phòng ven biển xử lý hàng chục trường hợp tàu cá đánh bắt thủy sản sai quy định.

Chuyên gia tư vấn chống IUU, tiến sĩ Nguyễn Long cũng khẳng định việc phát triển, nhân rộng các tổ chức cộng đồng là một biện pháp hiệu quả, thậm chí sẽ giải quyết tận gốc vấn nạn khai thác thủy sản trái phép: “Lực lượng thực thi khung pháp lý của chúng ta khá "mỏng", nếu không có "tai mắt" từ những tổ chức cộng đồng thì khó thực thi pháp lý được, khó phát hiện tàu vi phạm IUU. Do đó, theo tôi để gỡ "thẻ vàng", trước tiên phải xây dựng hệ thống khung pháp lý và lực lượng thực thi pháp lý, mà nòng cốt là vai trò cộng đồng”.

Ngoài việc phát triển tổ chức cộng đồng, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Tính đến tháng 10/2021, tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS và có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 27.716/30.501 tàu cá (đạt 90,87%). Đây là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam để giảm thiểu tình trạng khai thác thủy sản trái phép.