Phương án này hướng tới mục tiêu tập trung tối đa lực lượng để bảo vệ diện tích rừng hiện có, với phương châm “phòng là chính, bảo vệ và chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời và triệt để” nhất là ở các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều này để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất rừng trái phép và không để xảy ra các điểm nóng; phấn đấu làm giảm số vụ vi phạm cả về tính chất lẫn mức độ vi phạm thiệt hại do cháy rừng, phá rừng và không để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ.
Để đạt được mục tiêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng; phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng...
Cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của cán bộ, cộng đồng người dân trong công tác phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng kiểm lâm các cấp rà soát nắm chắc địa bàn, khu vực có nguy cơ phá rừng; lấn, chiếm đất rừng để xây dựng phương án chống phá rừng phù hợp.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm bố trí, tăng cường đến các xã trọng điểm phá rừng; phối hợp cùng chủ rừng và địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng, phát hiện và xử lý tình trạng đưa các loại phương tiện xe ô tô hoán cải, xe mô tô độ chế vào rừng để vận chuyển gỗ trái phép ở các vùng giáp ranh của tỉnh.
Các đơn vị chủ rừng thường xuyên rà soát xác định cụ thể từng địa bàn, từng khu vực có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ trái phép, lấn, chiếm đất rừng để xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị; tăng cường bố trí lực lượng bảo vệ rừng ở các trạm, chốt, lực lượng hộ nhận khoán bảo vệ rừng phù hợp với lâm phận quản lý của đơn vị.
Theo phương án bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022, tỉnh Bình Thuận xác định các vùng trọng điểm cháy rừng theo từng cấp độ. Đặc biệt, vùng trọng điểm cháy rừng cấp 3 (dễ xảy ra cháy rừng) gồm những khu vực rừng có kiểu rừng thường xanh nứa rụng lá, rừng khộp, tre nứa, các khu vực rừng trồng tập trung, rừng gần khu dân cư, gần các tuyến đường dân sinh, đường lâm nghiệp có các hoạt động ra vào thường xuyên của con nguời thuộc các địa phương như: huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.
Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng xác định các địa bàn trọng điểm cần tập trung tổ chức quản lý, bảo vệ và kiểm tra, truy quét ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; các khu vực có nguy cơ xảy ra tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp; các khu vực trọng điểm săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến cuối năm 2021 là khoảng 330.000 ha; trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 288.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%.
Năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ rừng được triển khai tích cực; đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp 270 vụ; trong đó, khởi tố hình sự 6 vụ; tịch thu 254 m3 gỗ các loại cùng nhiều phương tiện; nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng. Tỉnh xảy ra 26 trường hợp cháy thực bì (lá, cỏ khô...) dưới tán rừng, giảm 15 trường hợp với diện tích 35 ha (giảm 47%) so với cùng kỳ năm 2020./.