Bình Thuận đề nghị hỗ trợ vốn xây dựng kè bảo vệ bờ biển và nâng cấp hồ đập

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương thực hiện sửa chữa, nâng cấp an toàn đập, hồ chứa nước và xây dựng kè bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh.
xay-1638605505.jpg
Xây dựng kè bờ biển Bình Thuận chậm vì vướng mặt bằng

Hiện nay, qua rà soát, một số tuyến kè bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và khắc phục khẩn cấp để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, nhiều công trình đập, hồ chứa nước đã được xây dựng từ lâu, hiện đang bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch xây dựng các tuyến kè bảo vệ bờ biển để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm thực; đồng thời từng bước đầu tư sửa chữa và nâng cao an toàn đập cho các công trình thuỷ lợi. Tuy vậy, Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch bệnh COVID-19, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể cân đối đủ vốn để bố trí xây dựng hoàn thiện các tuyến kè bảo vệ bở biển và thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cao an toàn cho các hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh 680 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, nâng cấp an toàn đập, hồ chứa nước và xây dựng kè bảo vệ bờ biển.

Cụ thể, hai công trình kè bảo vệ bờ biển với tổng nhu cầu vốn là 340 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng mới kè bảo vệ bờ biển khu phố 4 và 5, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết (có chiều dài khoảng 1.750 m) và nâng cấp kè bảo vệ bờ biển Đồi Dương - Thương Chánh, thành phố Phan Thiết (có chiều dài 1.630 m). Cùng với đó, 11 hồ đập chứa nước cần nâng cấp, sửa chữa với nhu cầu vốn là 340 tỷ đồng.

Bình Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu. Vào mùa mưa, Bình Thuận thường xuyên bị lũ lụt, triều cường, sóng lớn làm xâm thực, xói lở bờ biển ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ở của nhân dân và các công trình hạ tầng xây dựng, các cơ sở du lịch trên địa bàn. Mùa khô thì xảy ra tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến kè bảo vệ bờ biển đã phát huy hiệu quả góp phần khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ công trình công cộng góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Các công trình hồ chứa góp phần chủ động nguồn nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cung cấp nguồn nước để phát triển các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.