Chiều 13/2, tiếp tục phiên họp thứ 20, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến và thông qua các Nghị quyết thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Cụ thể, đối với tỉnh Bình Dương, thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên.
Như vậy, việc Bình Dương có thêm thành phố cũng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thị xã Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía đông nam của tỉnh Bình Dương. Bộ trưởng Xây dựng đã công nhận thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn của đô thị loại 3 vào năm 2018.
Sau khi thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; một thị xã là Bến Cát và 4 huyện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32%, dân số 2,7 triệu.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, khi Tân Uyên lên thành phố, sẽ tạo điều kiện phát triển cho người dân, đóng góp chung cho tỉnh và vùng. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng .
Theo ông Lợi, trên địa bàn Tân Uyên có 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và VSIP; 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại 10 tỉnh nói trên có hiệu lực từ 10/4. Riêng nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của tỉnh Trà Vinh có hiệu lực từ 1/3.