Bình Dương: Cần phát triển nhanh, hài hòa, bền vững, không để ai ở lại phía sau

Chiều 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh này.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Võ Văn Minh cho biết, đến thời điểm hện tại Bình Dương đã đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 như Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,52% - 21,98% - 2,93% - 7,57%. Thu ngân sách ước đạt gần 62.000 tỷ đồng, đạt 103% dự toán; chi ngân sách ước đạt 18.500 tỷ đồng…

image00320221203193211-1670130085.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương.

Từ nay đến cuối năm 2022, Bình Dương tiếp tục rà soát, thực hiện hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ của năm. Kịp thời nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung huy động các nguồn lực chăm lo tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhất là cho các công nhân gặp khó khăn, công nhân ở lại Bình Dương đón Tết.

Về kế hoạch của năm 2023, phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và chú trọng theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Kịp thời rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thủ tục cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đồng thời, khẩn trương triển khai các bước tiếp theo của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, tại buổi làm việc, Bình Dương cũng kiến nghị với Thủ tướng những khó khăn vướng mắc khi Bình Dương triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành,đường ven sông Sài Gòn, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường từ Tam Lập đến Đồng Phú…Đặc biệt, Bình Dương kiến nghị cho phép Bình Dương áp dụng trần Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội lên 60% thay vì 30% như hiện nay.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế xã hội mà Bình Dương. Thủ tướng cho biết gần đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng cũng đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và nay tiếp tục làm việc với Bình Dương để triển khai cụ thể hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm liên vùng.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bình Dương phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai ở lại phía sau. Cụ thể, Bình Dương phải phát triển nhanh bởi có điều kiện thuận lợi, có nền tảng phát triển từ nhiều năm qua, có vị trí trong vùng Đông Nam bộ phát triển năng động và có nhiều đổi mới sáng tạo; phát triển hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển tất cả các địa phương, huyện thị, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

4-31222-bd-1670130085.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương

Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm; tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là chính, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực khác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương khác trong vùng như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, thu hút FDI; giải bài toán môi trường nhất là quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp những gì, liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, thị trường bất động sản; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định, bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…

Thiên Kim