Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới

Mở cửa hậu Covid-19, du lịch Việt Nam đã sớm lấy đà và đạt được nhiều tín hiệu khả quan. Thành tựu này có được là nhờ những tiềm năng to lớn của ngành kinh tế mũi nhọn này.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), Việt Nam tiếp tục nằm trong top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, ở mức tăng 50-70% hàng tháng, tính từ đầu năm 2022.

Những thành tích này cho thấy Việt Nam vẫn luôn là một trong những điểm đến du lịch yêu thích của du khách quốc tế. Kết quả này là sự kết tinh của nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố tiềm năng du lịch phong phú.

Phong cảnh thiên nhiên đa dạng

Việt Nam được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều phong cảnh từ tráng lệ, hùng vĩ cho tới hoang sơ, thanh bình. Trải dọc 63 tỉnh thành của Việt Nam, mỗi địa phương mang vẻ đẹp độc đáo riêng, tạo nên tổng thể bức tranh thiên nhiên đa dạng.

Từ Bắc vào Nam, Việt Nam sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần thể thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình), phố cổ Hội An (Quảng Nam), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình),...

ninh-binh-phat-huy-loi-the-va-tiem-nang-de-thuc-day-du-lich-2-1661332568.jpg
Tràng An mùa Lễ hội. (Ảnh: Xuân Lâm)

Trong số đó, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Các khu di tích lịch sử - tài sản vô giá

Ngoài tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, Việt Nam còn có nhiều di tích cổ kính.

Hiện nay, Việt Nam là nơi tọa lạc của nhiều di tích lịch sử, bảo tàng như khu di tích Đền Hùng, đền Cổ Loa, khu di tích Hoa Lư, tháp Chàm Khơ-me, thành cổ Quảng Trị,…

Các di tích lịch sử không chỉ là tài sản vô giá của quốc gia mà còn mang giá trị du lịch rất lớn. Bên cạnh việc giúp du khách khám phá, tìm hiểu về điểm đến, du lịch tham quan các di tích lịch sử còn giúp du khách hiểu thêm về lịch sử và con người Việt Nam.

Mối liên kết giữa di sản phi vật thể và du lịch

Đến nay, UNESCO đã ghi danh 14 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, bao gồm Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ,...

Có thể thấy ngành du lịch và việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhờ việc kết hợp các văn hóa phi vật thể với du lịch, các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến du khách quốc tế, đồng thời ngành du lịch của đất nước cũng thêm phong phú nhờ các loại hình nghệ thuật đa dạng.

Ẩm thực độc đáo

Văn hóa ẩm thực là yếu tố góp phần thu hút khách du lịch ở mỗi điểm đến và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Nhờ các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đa dạng, ẩm thực từng vùng - miền của Việt Nam mang những đặc điểm riêng biệt. Điều này góp phần tạo nên một bức tranh ẩm thực Việt Nam phong phú nhưng vẫn mang đậm hồn Việt.

Du lịch số hóa được đẩy mạnh

Việt Nam hiện đang từng bước bắt nhịp với xu hướng số hóa và áp dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế.

Nhiều công ty du lịch tại Việt Nam đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Hàng loạt các ứng dụng dịch vụ du lịch ra đời, cho phép du khách có thể mua vé, thanh toán chi phí, tham khảo địa điểm,... ngay trên điện thoại của mình.

da-nang-tam-the-moi-trien-vong-moi-3-1661332568.jpg
Cầu Vàng ở Đà Nẵng, điểm đến ưa thích của khách du lịch nội địa và quốc tế. (Ảnh: Mai Thanh Chương)

Đặc biệt, nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan quản lý du lịch và một số địa phương đã nghiên cứu và ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào các hoạt động tham quan, du lịch.

Ví dụ, Hà Nội là địa phương rất tích cực trong quá trình chuyển đổi số các hoạt động du lịch. Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ mã QR Code cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích, giúp cung cấp thông tin đến khách tham quan một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên ở Hà Nội ứng dụng công nghệ VR (thực tế ảo) giúp du khách tham quan làng nghề từ xa. Nhà tù Hỏa Lò thu hút khách tham quan qua các hoạt động sáng tạo trên nền tảng Facebook và Spotify…

Những sáng tạo và đổi mới này minh chứng cho nỗ lực của từng địa phương trong việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại làm phương tiện quảng bá các tiềm năng du lịch của mình.