
Phát huy tiềm năng nông nghiệp sinh thái
Ninh Bình sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái nhờ lợi thế tự nhiên đa dạng. Vùng đồi núi bán sơn địa phù hợp với cây ăn quả, dược liệu; vùng trũng thích hợp trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản; vùng đồng bằng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cây trồng giá trị kinh tế; vùng ven đô có thể kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái; vùng ven biển tiềm năng nuôi trồng thủy sản bền vững. Tài nguyên thiên nhiên phong phú như đất ngập nước Vân Long, rừng Cúc Phương là nền tảng cho các mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn và du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, nông nghiệp Ninh Bình cũng đối mặt với không ít thách thức. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, sản phẩm thiếu thương hiệu và chỉ dẫn địa lý rõ ràng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Để khắc phục những hạn chế này, Ninh Bình đang tập trung vào các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua các hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Việc tận dụng tiềm năng du lịch để quảng bá sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm. Các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn là kênh hiệu quả để giới thiệu nông sản địa phương.

Ngoài ra, Ninh Bình cũng khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ số, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động môi trường. Những nỗ lực này đang từng bước khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp sinh thái trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiềm năng từ mô hình này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên của vùng đất Cố đô.
Đáng chú ý, tỉnh đang tích cực phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn liền với du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Một số mô hình tiêu biểu như đầm sen Hang Múa, cánh đồng lúa Tam Cốc, vườn nho Hạ Đen đã khai thác tốt lợi thế tự nhiên và văn hóa để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng thời thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Những mô hình này không chỉ giúp quảng bá nông sản địa phương mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có sự đầu tư vào hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường kết nối thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Giải pháp cho sự phát triển bền vững
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng bền vững. Với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp đang được định hướng phát triển thành nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, đa giá trị, kết hợp với các lĩnh vực khác như du lịch và công nghiệp chế biến.

Để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường kết nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Việc hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã kiểu mới với năng lực quản trị tốt, đóng vai trò trung gian trong tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm là rất quan trọng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng như lúa hữu cơ, ngao Kim Sơn, sản phẩm OCOP từ sen, hoa cúc, sâm Cúc Phương. Việc đẩy mạnh xác nhận chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần nâng cao giá trị và uy tín cho nông sản. Bên cạnh các sản phẩm thô, cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu như trà sen, nước ép nho, thực phẩm chế biến từ lúa hữu cơ để gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Ngoài ra, cần cải tạo hệ thống tưới tiêu ở các vùng trũng để đảm bảo nguồn nước cho canh tác hữu cơ, xây dựng các hồ chứa và kênh mương hiện đại ở vùng đồi núi để chủ động nguồn nước tưới. Việc hỗ trợ xây dựng kho lạnh, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để bảo quản và chế biến nông sản cũng rất quan trọng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nông dân về phương pháp canh tác hữu cơ, tuần hoàn, kỹ thuật giảm phát thải và bảo vệ môi trường cần được chú trọng. Xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp nâng cao hiệu quả. Đồng thời, cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, từ cung cấp đầu vào, kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Ninh Bình cho biết: “Ninh Bình xác định phát triển nông nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu và là chìa khóa để phát triển bền vững. Ngành đang tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, gắn kết với du lịch, trên cơ sở tích hợp các giá trị truyền thống và hiện đại để khai thác thác lợi thế từng tiểu vùng sinh thái. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ người dân chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp gắn kết với du lịch trải nghiệm, tận dụng lợi thế của cánh đồng lúa Tam Cốc, vườn nho Hạ Đen, đầm sen Hang Múa để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Để phát huy tối đa tiềm năng của nông nghiệp sinh thái, cần kết hợp với phát triển du lịch. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen Hang Múa, vườn nho Hạ Đen, hay các khu nuôi trồng thủy sản sẽ tạo thêm sức hấp dẫn. Đồng thời, tổ chức các lễ hội nông nghiệp như lễ hội sen, lễ hội mùa lúa chín để thu hút khách du lịch và quảng bá sản phẩm. Phát triển du lịch làng nghề gắn với sản phẩm nông sản đặc trưng cũng là hướng đi khả thi, giúp du khách hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất và thưởng thức đặc sản địa phương.
Với những giải pháp đồng bộ và định hướng phát triển rõ ràng, nông nghiệp sinh thái Ninh Bình đang từng bước khẳng định vị thế, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây không chỉ là cơ hội để nâng cao đời sống người dân mà còn là cách để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của vùng đất Cố đô./.