Biến động nguồn cung đẩy giá cà phê lập đỉnh, doanh nghiệp gặp khó vì đối tác hủy hợp đồng

Giá cà phê toàn cầu đang tăng mạnh do thời tiết khô nóng kéo dài tại các nước sản xuất cà phê lớn ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trái ngược với sự phẩn khởi của nông dân trồng cà phê, các doanh nghiệp xuất khẩu lại "lao đao" vì tình trạng chậm giao hàng, hủy giao hàng và bị đối tác hủy hợp đồng.
ca-phe-xuat-khau-01-1713079237.jpg
Giá cà phê nhân tại Việt Nam liên tục lập đỉnh mới, trong khi người dân phấn khởi thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại “chới với” vì tình trạng chậm giao hàng, hủy giao hàng của một số đơn vị thu mua trung gian.(Ảnh minh họa)

Thị trường lo thiếu nguồn cung đẩy giá cà phê lên đỉnh

Tại London, giá cà phê Robusta và Arabica đều tăng mạnh kể từ đầu năm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn giao dịch London ngày 12/4 tăng lên 3.948 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ khi hợp đồng cà phê tương lai bắt đầu giao dịch vào năm 2008. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tại New York cũng tăng lên 2,34 USD/pound (tương đương 0,453kg), mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Giám đốc điều hành công ty cà phê Lavazza (Italy), Antonio Baravalle, cho biết giá nguyên liệu thô tăng mạnh đã tạo ra một kịch bản kinh tế vĩ mô “cực kỳ phức tạp” cho ngành cà phê. Ông cho biết mặc dù doanh thu tăng 13% lên 3 tỷ USD vào năm ngoái, lợi nhuận của Lavazza gần đây đã giảm do giá cà phê tăng.

Theo ông Carlos Mera, phụ trách ngành hàng nông sản tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan), thời tiết nắng nóng kéo dài tại Đông Nam Á ảnh hưởng lớn đến vụ cà phê, làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp nguồn cung hiện nay, thúc đẩy các nhà chế biến cà phê tăng gom hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Ông cho biết các nhà rang xay cà phê, đặc biệt là ở châu Âu, đã tìm cách tăng dự trữ trong bối cảnh lo ngại về chuỗi cung ứng do các cuộc tấn công vào các tàu hàng ở Biển Đỏ từ tháng 11/2023, buộc các tàu di chuyển giữa châu Á và châu Âu phải chuyển tuyến qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua Kênh đào Suez.

ca-phe-xuat-khau-02-1713079280.jpg
Các chuyên gia cho biết giá nguyên liệu cà phê thô tăng mạnh đã tạo ra một kịch bản kinh tế vĩ mô “cực kỳ phức tạp” cho ngành cà phê. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các nhà chế biến cà phê cũng đang cố gắng tăng dự trữ trước khi luật mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm càphê trồng trên đất rừng bị phá có hiệu lực vào tháng 12/2024. Sau thời hạn này, tất cả các nhà chế biến càphê để bán tại EU phải cung cấp dữ liệu định vị địa lý nhằm chứng minh nguồn gốc của càphê hạt nhập khẩu.

Theo ông Jonathan Haines, nhà phân tích cao cấp tại tập đoàn nghiên cứu và phân tích dữ liệu hàng hóa Gro-Intelligence, tình trạng thiếu nguồn cung cà phê Robusta đã đẩy giá càphê Arabica tăng theo do thường được trộn cùng Robusta trong chế biến càphê.

Theo ông Ole Hansen, phụ trách chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo (Đan Mạch), thời tiết bất lợi với mưa lớn ở Brazil, nước sản xuất càphê cao cấp lớn nhất thế giới, cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê Arabica tăng.

Ông Mera dẫn các số liệu mới nhất của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn cho biết các quỹ dự phòng và các nhà đầu cơ đã đặt cược vào giá càphê Arabica tăng, khiến giá bị đẩy lên cao.

Doanh nghiệp lao đao vì đối tác hủy hợp đồng

Giá cà phê nhân tại Việt Nam liên tục lập đỉnh mới, trong khi người dân phấn khởi thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại “chới với” vì tình trạng chậm giao hàng, hủy giao hàng của một số đơn vị thu mua trung gian. Tình trạng này dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024 (từ tháng 10/2023-3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn cà phê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Riêng trong tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá cà phê nội địa liên tục lập đỉnh mới, nếu như tháng 3/2023 ở mức 47,000 đồng/kg, đến tháng 10/2023 giá dao động 58,000 đồng/ kg) còn thời điểm hiện tại giá cà phê đã ở mức 107,000 đồng/kg.

Theo ông Đỗ Hà Nam, việc giá cà phê tăng nhanh và quá cao tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, giá thu mua cà phê đã tăng gấp hơn 2 lần so đầu vụ cà phê trước do đó các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn. Tuy nhiên hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng. Tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.

Thời gian qua đã có hiện tượng đại lý thu mua và doanh nghiệp thu mua không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

Tình trạng trên có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành cà phê, đó là thách thức lớn nhất, nếu không có giải pháp cân đối sẽ để lại hệ luỵ lâu dài.

ca-phe-xuat-khau-03-1713079212.jpg
Giá cà phê nhân tại Việt Nam liên tục lập đỉnh mới, trong khi người dân phấn khởi thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại “chới với” vì tình trạng chậm giao hàng, hủy giao hàng của một số đơn vị thu mua trung gian.(Ảnh minh họa)

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Càphê Vĩnh Hiệp nêu vấn đề nhiều hợp đồng giao dịch cà phê thời gian gần đây bị trì hoãn giao hàng trong khi giá cà phê tăng nhanh và cao có thể xuất phát từ việc giảm và thiếu hụt sản lượng cà phê trong vài năm trở lại đây.

Nguyên nhân sâu xa là suốt một thời gian dài khoảng chục năm (2013-2023), giá càphê duy trì mức thấp và không vượt qua 40.000-50.000 đồng/kg dẫn đến một số nông dân chặt bỏ, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng... Diện tích cây càphê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm nhiều nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể dẫn đến nhận định sai về tổng sản lượng.

Theo ông Thái Như Hiệp, sản lượng cà phê thực tế thấp hơn tính toán. Các thông tin cho rằng lượng tồn kho cà phê trong dân và đại lý còn nhiều không có cơ sở chắc chắn bởi với tâm lý của người dân, khi giá cà phê tăng từ dưới 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg chỉ trong vài tháng thì không ai dám dự trữ số lượng lớn. Ước tính sản lượng cà phê còn trong dân và đại lý khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, tính trung bình 6 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2023-2024, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn.

“Nguồn cung cà phê nhân hạn chế có thể sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục tăng thêm, có khả năng sẽ lên mức 120.000 đồng/kg và việc thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càng khó khăn. Doanh nghiệp thương mại ký kết hợp đồng mua xa, bán xa sẽ vô cùng rủi ro,” ông Thái Như Hiệp dự báo.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho rằng, từ đầu niên vụ cà phê 2023-2024 đến nay, ngành cà phê đã vượt qua cơn “đại hồng thủy” với những biến động không thể lường trước. Trong khi nông dân trồng cà phê hồ hởi hứng khởi thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Việc giá cà phê tăng “chóng mặt” khiến một số đơn vị thu gom hủy hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác. Nhưng khi giá cà phê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác hủy hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm khảo sát, thống kê diện tích cây cà phê thực tế để có dự báo chuẩn xác về sản lượng và tình hình cung-cầu. Những địa phương trồng cà phê trọng điểm ở khu vực Tây Nguyên cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng cà phê thông qua việc cải tạo giống, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu,” ông Lê Đức Huy khuyến nghị./.

Bình Nguyên