Giá cá phê liên tục tăng cao, nhưng vì sao doanh nghiệp lại gặp khó?

Thời gian qua, giá cà phê liên tục tăng cao nhưng doanh nghiệp chế biến lại gặp khó khăn, bởi DN thường sản xuất tới đâu sẽ mua nguyên liệu tới đó, còn nông dân cũng rất ít trữ cà phê, phần lớn sau mùa vụ là bán để trả tiền vật tư nông nghiệp.
gia-ca-phe-tang-03-1711871005.jpg
Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu về 1,38 tỉ USD.(Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó vì nguyên liệu tăng

Những ngày qua giá cà phê liên tục tăng cao, đạt kỷ lục với mức 100.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách đây khoảng 1 năm, làm cho nhiều DN xuất khẩu ở TP.HCM gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho biết, đối với những hợp đồng xuất khẩu đã ký trước cho khách hàng ở Hàn Quốc, DN phải giao hàng với giá lỗ nặng. Còn với đơn hàng mới, DN rất khó đàm phán với khách hàng để tăng giá bán. Nhiều DN đã mất khách hàng vì đối tác chuyển sang mua cà phê ở Ấn Độ với giá thấp hơn. Giá cà phê ở Ấn Độ chỉ khoảng 3.400 USD/ tấn, trong khi đó ở Việt Nam giá hơn 4.300 USD/tấn.

DN này cho rằng, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Lúc này, khách hàng có thể chuyển sang nhập khẩu cà phê của nước khác với mức giá tốt hơn, nếu như vậy thì cả người trồng và DN chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi. Trước thực trạng này, ông Luận cho rằng các hiệp hội cà phê, DN và cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để có giải pháp, ngăn chặn tình trạng đẩy giá cà phê tăng quá cao.

“Chúng ta phải ngồi lại để có giải pháp cho người nông dân và DN đều có lợi, khống chế việc đầu cơ của các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng nhất là phải điều tiết giá cà phê trong nước. Hiện nay, các DN thu mua mạnh ai nấy gom hàng đẩy giá cà phê tăng cao nên không thể để giá cà phê tăng đột biến và không thể kiểm soát”, ông Luận nêu ý kiến.

gia-ca-phe-tang-02-1711871041.jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, cà phê đang đối mặt với rủi ro khi giá cả biến động không ngừng. (Ảnh minh họa)

Tại Đắk Lắk, thời gian quan, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, cà phê đang đối mặt với rủi ro khi giá cả biến động không ngừng, khó tích trữ hàng với số lượng lớn. Đặc biệt, khi giá cà phê tăng mạnh buộc nhiều doanh nghiệp cần nguồn vốn xoay vòng cao, khả năng thua lỗ rất lớn.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) nhận định: Với tình hình giá cà phê đang ở mức cao như hiện nay, đơn vị chỉ nhận thêm đơn hàng nếu có dấu hiệu tích cực từ nguồn cung từ người nông dân. Tuy nhiên, số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét trên tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.

Vì lẽ đó, doanh nghiệp buộc phải tính toán, cân đối một cách chặt chẽ giữa nguồn hàng nhập vào và đơn hàng xuất khẩu, để tránh rủi ro, đảm bảo nguồn lợi về kinh tế lâu dài. Dự báo, sản lượng xuất khẩu cà phê của công ty năm nay ước khoảng 110.000-115.000 tấn, giảm so với cùng kỳ năm ngoái".

Chủ động đón làn sóng giá cà phê và đẩy mạnh liên kết với nông dân

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,38 tỉ USD, chiếm 30,8% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Các thương nhân ngành cà phê và Bộ NN&PTNT cùng chung dự báo, xuất khẩu cà phê năm 2024 sẽ rất lạc quan bởi nguồn cung trên thế giới sụt giảm.

“Đây là lần đầu tiên cà phê vươn lên vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ” – ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nêu rõ.

Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu về 1,38 tỉ USD. Điều đáng nói là, mặc dù lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 27,9% nhưng do giá cà phê trên thị trường thế giới tăng vọt, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đã tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đã lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỉ USD chỉ sau 2 tháng đầu tiên của năm 2024.

Với diện tích 2ha cà phê, vụ mùa vừa qua, gia đình bà Lê Thị Nga (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) thu được khoảng 10 tấn cà phê nhân. Với giá cà phê trên 90 triệu đồng/tấn, tăng gấp đôi so với vụ mùa 2022 - 2023, bà Nga và rất nhiều người nông dân khác ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thêm lợi nhuận, vốn liếng để tiếp tục tái đầu tư vào vụ mùa mới.

Bà Nga cho biết: “Gia đình đã gắn bó với cây cà phê gần chục năm qua. Khi chúng tôi bắt đầu trồng theo hướng sản xuất, bón phân hữu cơ cho cây cà phê thì thấy mang lại hiệu quả, năng suất cao và kinh tế ổn định. Nếu giá cà phê vụ mùa 2024 - 2025 vẫn tiếp tục đạt đỉnh như hiện nay thì người dân rất an tâm và gắn bó lâu dài với cây cà phê ”.

gia-ca-phe-tang-01-1711871077.jpg
Những ngày qua giá cà phê liên tục tăng cao, đạt kỷ lục với mức 100.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng, với giá nông sản, trong đó có cà phê đang ở mức tốt như hiện nay thì người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, thu nhập tăng cao. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên thì rất cần sự chia sẻ của bà con nông dân đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê để nông sản địa phương vừa có đầu ra, vừa phát triển ổn định.

Ngoài ra, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn là phải tập trung tái canh, cải thiện chất lượng, quy hoạch lại vùng trồng cà phê để loại nông sản chủ lực này có hướng phát triển bền vững trong tương lai gần, từng bước có các sản phẩm chế biến sâu từ hạt cà phê.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột cho rằng, để ngành cà phê phát triển bền vững, các DN, nhất là DN lớn cần đầu tư trồng nguyên liệu, vì nhiều DN chế biến, xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam rất ít đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu. Trong khi nhiều DN nước ngoài làm rất tốt việc này và họ có hàng chục ngàn ha cà phê ở Đắk Lắk và nhiều nơi khác.

Bên cạnh đó, việc liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên cần chặt chẽ thông qua mạng lưới HTX. Hiện nay mối liên kết giữa người trồng và DN chế biến cà phê rất lỏng lẻo nên dễ "bẻ kèo" khi giá tăng cao.

“DN chỉ cần làm việc với HTX đã liên kết ngang với nông dân. Trách nhiệm của nhà nước là kết nối DN với các HTX, còn DN phải tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu, đầu tư nguồn lực tập huấn, đào tạo, kết nối và hỗ trợ HTX dịch vụ đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường và các hợp đồng mua bán phải chặt chẽ”, ông Trịnh Đức Minh khuyến nghị./.

Bình Nguyên