Bến Tre tập trung xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ngay từ đầu năm

Sáng 3/1, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa tỉnh Bến Tre với đại sứ Việt Nam tại các nước.

Đây là cơ hội để Bến Tre và các đại sứ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đường lối đối ngoại và hợp tác quốc tế thời gian qua, đồng thời đề ra các giải pháp xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thời gian tới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh đánh giá cao sự năng động của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bến Tre trong phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bến Tre có tiềm năng hiện hữu về các nhóm sản phẩm chủ lực như dừa, cây ăn trái, cây giống, hoa cảnh và chăn nuôi; trong đó, nổi bật là dừa với khoảng 200 sản phẩm và mỹ nghệ dừa.

Với chủ trương triển khai ngoại giao phục vụ phát triển; trong đó, lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cam kết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành, hỗ trợ cho quá trình hội nhập quốc tế của Bến Tre.

121255-ben-tre-xuc-tien-dau-tu-thuong-mai-va-du-lich-voi-dai-su-viet-nam-tai-cac-nuoc-1641194145.jpeg
Đại sứ các nước tham quan nhà máy chế biến dừa tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Theo đó, Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp cùng tỉnh Bến Tre tổ chức các cuộc kết nối, xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm địa phương với các đối tác nước ngoài mà tỉnh ưu tiên thúc đẩy. Qua đó, hỗ trợ thâm nhập vào thị trường sở tại bằng thương hiệu Bến Tre. Bên cạnh đó, hỗ trợ tỉnh Bến Tre tiếp tục kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thu hút nguồn lực và viện trợ, công nghệ, giới thiệu nhà đầu tư, nhà nhập khẩu uy tín ở sở tại cũng như chương trình, dự án góp phần phát triển kinh tế biển, du lịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tạo điều kiện để các đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đi xúc tiến đầu tư - thương mại, kết hợp tham gia các hội chợ nông sản tại các thị trường trong đó có châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bến Tre triển khai công tác ngoại giao văn hóa gồm hoạt động tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, công tác  lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hội nhập của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng, Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản, các sản phẩm từ dừa, trái cây… và lực lượng lao động để phát triển các ngành gia công hàng may mặc, giày dép. Nhiều sản phẩm thủy sản như cá tra và nghêu, trái cây và rau quả như dừa xiêm, dừa khô, chôm chôm... được khách hàng ở các nước ưa chuộng.

Tỉnh được mệnh danh là "xứ sở dừa Việt Nam" với diện tích khoảng 75.000 ha, tổng sản lượng gần 700.000 tấn/năm. Bến Tre hiện có vùng nguyên liệu dừa tập trung sản xuất hữu cơ cao nhất nước hơn 12.000 ha; trong đó, diện tích chứng nhận hàng năm khoảng 4.000 ha. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản biển đạt 41.500 ha; trong đó, nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, sản  lượng 114.000 tấn/năm; phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lựcg gồm dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa cảnh, chăn nuôi. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong rằng, thời gian tới, các đại sứ sẽ hỗ trợ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bến Tre, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, cũng như hỗ trợ cho tỉnh tham gia, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư tại các nước. Đồng thời, hỗ trợ, giới thiệu cho các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư; cảnh báo sớm về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường.

Tỉnh Bến Tre hy vọng với việc thiết lập mối liên hệ với cơ quan đầu mối tại địa phương và các doanh nghiệp sẽ kịp thời cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị trường các sản phẩm của Bến Tre tại nước sở tại để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển.

Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cùng đại sứ các nước cùng chia sẻ, trao đổi, nắm bắt thông tin về tiềm năng phát triển, cơ hội đầu tư, thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh về chế biến dừa, thủy sản, trái cây, du lịch… 

Những năm qua, tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong top 10 cả nước, thuộc nhóm điều hành tốt và rất tốt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 61 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc…

Tỉnh  có khoảng 30 chương trình, dự án viện trợ của Chính phủ nước ngoài đang triển khai với tổng giá trị viện trợ gần 4 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai 4 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Đáng chú ý, ngoài thu hút đầu tư vào tỉnh, Bến Tre cũng có 2 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 3 triệu USD.

Trước đó, đại sứ các nước đã có chuyến tham quan khảo sát tại các nhà máy sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.