Bất động sản thương mại và Metaverse

Nhắc đến metaverse (dịch nôm na là vũ trụ ảo), có lẽ không ai nghĩ ngay đến bất động sản thương mại (CRE). Vốn dĩ, “bất động sản” có nghĩa là tài sản không di chuyển, nằm ở thế giới thật, có thể cầm nắm được. Dù vậy, các công ty lớn trên thế giới đang đặt cược vào metaverse với hy vọng đây sẽ là “mảnh đất” màu mỡ mới cho nhà đầu tư và người dùng bất động sản.

Dù đã xuất hiện nhiều nơi và ngày càng nổi bật hơn từ khi Facebook đổi tên thành Meta, thuật ngữ metaverse vẫn khó có thể định nghĩa chính xác. Có thể hiểu đơn giản đây là một không gian chia sẻ ảo, kết hợp các khía cạnh của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và tiền điện tử. 

Hiện, có hàng trăm công ty trên toàn thế giới tham gia phát triển nền tảng, công nghệ, công cụ và giải pháp cho vũ trụ ảo, điển hình là SandBox, Nvidia, Meta, Decentraland và kỳ lân Việt Sky Mavis. Hiện tại, tùy từng nền tảng mà người muốn tham gia cần có tài khoản đăng nhập, trang bị các thiết bị hỗ trợ như kính và bộ cảm biến chuyển động có kết nối mạng. Thay vì lướt mạng qua màn hình, người dùng metaverse thật sự “bước vào” thế giới ảo dưới dạng một avatar tự chọn để trải nghiệm chơi game, mua sắm, gặp gỡ bạn bè và gia đình, đi xem hòa nhạc và thậm chí có thể hoàn thành các thủ tục giấy tờ hành chính trong tương lai.

1-1660700539.jpg
2-1660700550.jpg
Các công ty lớn trên thế giới đang đặt cược vào metaverse (dịch nôm na là vũ trụ ảo) với hy vọng đây sẽ là “mảnh đất” màu mỡ mới cho nhà đầu tư và người dùng bất động sản.

Non-Fungible Token (NFT), Token độc nhất, là một loại tài sản kỹ thuật số có thể đại diện cho tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm game hoặc thậm chí là bất động sản. Một NFT được tạo ra bởi công nghệ blockchain, và do đó không thể bị sao chép hoặc thay thế. Về mặt bất động sản, mỗi lô đất trong metaverse được đại diện bởi NFT. Bất động sản trên vũ trụ ảo cho phép các nhà đầu tư triển lãm, kinh doanh, tổ chức sự kiện mà không bị giới hạn bởi không gian vật lý, hay các quy định của tòa nhà, khu vực. 

Vào tháng 4, trang web Ngân hàng Standard Chartered công bố giao dịch mua mảnh đất ảo trên nền tảng trò chơi vũ trụ ảo The Sandbox, với mục đích tạo nên những trải nghiệm mới lạ cho khách hàng. Một số công ty toàn cầu như HSBC, JP Morgan và Adidas cũng đã gia nhập vũ trụ ảo theo cách này. Một báo cáo về metaverse của Citibank đã nhận định thị trường Metaverse sẽ đạt 5 tỷ người dùng với giá trị lên đến 13 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ứng dụng cho game và giải trí, metaverse là một thị trường ngách tiềm năng cho thị trường văn phòng ảo, có thể gọi là officeverse. Văn phòng ảo là một không gian mô phỏng diện tích thực tế, với đầy đủ phòng họp, bàn ghế, bảng viết, máy chiếu và cả căn tin. Đây có thể là một giải pháp cho cuộc giằng co giữa nhân viên và doanh nghiệp về mức độ áp dụng mô hình làm việc hybrid, do doanh nghiệp lo ngại nhân viên không thể trọn vẹn tương tác với cấp trên và đồng nghiệp qua màn hình máy tính. 

Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, gần đây đã đưa vào thử nghiệm nền tảng văn phòng ảo Workrooms, sử dụng công nghệ thực tế ảo để xây dựng không gian văn phòng cho phép các đồng nghiệp đeo kính thực tế ảo để ngồi cạnh nhau, tổ chức cuộc họp mặt đối mặt dù đang thật sự cách nhau nửa vòng trái đất. Giá thành thấp nhất cho một chiếc kính chuyên dụng Meta Quest 2 cũng do Meta sản xuất là gần 400 USD, theo trang web bán hàng của công ty. Hiện chiếc kính đang được sử dụng cho các mục đính chính như giải trí như chơi game, lướt web và xem phim.

Đặc biệt hơn, bên cạnh văn phòng ảo, bất động sản công nghiệp cũng đang nở rộ tại đây. Hãng xe BMW sở hữu một nhà máy ảo “sinh đôi”, mô phỏng dây chuyền sản xuất thực tế trên nền tảng Omniverse của công ty Nvidia. Nhà máy ảo này hoạt động theo đúng thời gian thực, được dùng theo dõi tiến trình, mô phỏng hành trình làm việc của kĩ sư, công nhân và cả robot trước khi đưa vào vận hành sản xuất thật để tối ưu hóa quy trình đến mức cao nhất. 

Đối với ngành bán lẻ, Metaverse là nơi giao nhau giữa cuộc sống thực và ảo, mở ra cơ hội kết nối mới cho người mua và người bán. Người dùng có thể trải nghiệm các tiện ích mua sắm như thử quần áo, kiểu tóc, tự thiết kế thời trang cho mình. Một số các thương hiệu lớn như Nike tạo ra cửa hàng ảo để cho phép khách tương tác với sản phẩm, tham gia sự kiện và tương tác trực tiếp với khách mời như LeBron James. Mới đây, nhãn hàng Estee Lauder cũng đã tham gia Tuần lễ thời trang trên nền tảng DecentraLand để quảng bá sản phẩm và tặng quà là một chai “serum” NFT có thể làm đẹp da cho avatar của người dùng.

Một số Chính phủ các nước, như Singapore, đang tiến hành theo dõi, nghiên cứu các đặc điểm của vũ trụ ảo, để mang đến những hàng rào pháp lý bảo vệ người dùng như đảm bảo an toàn trực tuyến, bảo mật, quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ. Theo CNBC, Chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư 177,1 triệu USD để đầu tư nghiên cứu vũ trụ ảo, đồng thời tạo ra một nền tảng metaverse có thể cung cấp các dịch vụ hành chính cho người dân. Tuy nhiên, vì Metaverse vẫn đang trong thời gian “khởi động” nên sẽ khó tránh khỏi các rủi ro, đặc biệt là về bảo mật. Nguy cơ người dùng bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu, danh tính sẽ luôn hiện hữu.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, cho biết: “Mặc dù những lợi ích mà Metaverse mang lại rất tiềm năng, song vẫn còn nhiều ẩn số chưa được giải đáp. Công nghệ này hứa hẹn sẽ trở thành hiện tượng Internet thứ hai khi có thể được áp dụng phổ biến, thay đổi hành vi người dùng và thật sự mang lại lợi ích cho cuộc sống. Tới thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để biết được ván cược này ai được lợi, nhưng chắc chắn thế giới vũ trụ ảo chứa vô vàn cơ hội chờ được khai phá, từ khía cạnh bán lẻ và quảng bá thương hiệu, đến nâng tầm trải nghiệm cho không gian thật như khách sạn, nhà hàng, văn phòng và cả công nghiệp”.
                                                                                                                  

Đạm Quang Lê