Bảo vệ môi trường phải đi từ những việc khả thi

17 năm hoạt động lặng lẽ, nhưng SOS Môi trường, một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã giành được nhiều thiện cảm từ những đối tác, khách hàng, và kể cả những người dân bình thường, hiểu biết những lợi ích cho cộng đồng mà doanh nghiệp này đem đến.

Người sáng lập, cũng là linh hồn của SOS môi trường, là chuyên gia môi trường Phạm Văn Sơn, người xác định được sứ mệnh của mình là cứu môi trường bằng giải pháp khả thi nhất đối với riêng người Việt.

Chúng ta hãy cùng trò chuyện với anh Phạm Văn Sơn – Giám đốc điều hành SOS môi trường, về hành trình sửa chữa những lỗi, vô tình và cố ý, mà con người đang gây cho môi trường.

untitled-1659686274.jpg
Chuyên gia môi trường Phạm Văn Sơn

Thưa anh, cái duyên nào đã đưa anh từ một người thuần túy hoạt động trong lĩnh vực thương mại, chuyển sang làm công tác môi trường, một lĩnh vực khá “hóc xương” và hầu như ít được quan tâm, khó mang lại lợi nhuận?

Cuộc sống lắm khi thật kỳ lạ, và ta khó có thể dự định được tương lai, nhiều khi một ngã rẽ bất ngờ lại có thể giúp con người sống hạnh phúc hơn. Hồi năm 2000, khi tôi còn đang làm việc ở Vũng Tàu, có một hôm, đứng ở Bãi Trước, tôi chứng kiến cảnh tượng dầu tràn ra biển xâm nhập vào bãi tắm. Lúc đó, không ai làm gì để xử lý sự cố này, chỉ có người dân đua nhau ra hớt dầu để bán, và một vài nhân viên chắc thuộc cơ quan quản lý, ra đó lấy mẫu và đo đạc, đánh giá mức độ dầu tràn. Họ cũng chỉ làm đến thế để báo cáo, không ai xử lý ngay. Không có một phản ứng nhanh nào. Tôi rùng mình trước cảnh tượng đó. Nếu đây không phải dầu, mà là xăng tràn ra, thì chỉ cần một người vô tình hay cố ý quẹt lửa hút thuốc, sự cố sẽ thật thảm khốc, lập tức tất cả sẽ bốc cháy thiêu rụi bao mạng người cũng như tài sản. Tôi thấy mình cần phải làm gì đó để ngăn chặn điều này. Từ đó, tôi bắt đầu âm thầm nghiên cứu về lĩnh vực ứng phó sự cố dầu tràn. Nó trở thành đam mê ngày càng mãnh liệt.

Vậy tại sao mãi tới 6 năm sau, SOS Môi trường mới được thành lập?

Có hai lý do, một là thời đó, lĩnh vực này ít được xã hội quan tâm, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để rồi cũng phát hiện ra rằng, hình như chẳng có ai quan tâm đến nó cả. Hai là tôi cần thêm thời gian nghiên cứu sâu sắc về nó. Lấy thương mại mà nuôi đam mê. Tôi cứ âm thầm nghiên cứu. Nếu người ta ngoài công việc để kiếm sống, thì có sở thích chơi golf, đi phượt, làm thơ… còn tôi nghiên cứu về những giải pháp phù hợp nhất để cứu môi trường, nghiên cứu công nghệ ứng phó sự cố tràn dầu. Cho tới năm 2010, niềm hạnh phúc của tôi đã trọn vẹn, những gì tôi ấp ủ nghiên cứu bấy lâu và hiểu biết sâu đã có vẻ được cần đến, và tôi hợp nhất được đam mê với công việc kiếm sống hàng ngày. Tôi là tôi, trong mọi nhẽ, mọi lúc, không cần phân thân nữa.

Khi thành lập SOS Môi trường, anh có định hướng như thế nào cho hoạt động của doanh nghiệp?

Qua nghiên cứu, tôi thấy ở các nước phương Tây, họ ý thức trước ta rất lâu về môi trường, bảo vệ môi trường. Kèm theo ý thức đó là hành vi. Đơn cử khi sử dụng kẹo cao su xong, họ sẽ gói kẹo vào giấy bọc, rồi mới bỏ gọn vào thùng rác. Các nước phương Tây cũng đã nghiên cứu, sản xuất các thiết bị tiên tiến để bảo vệ môi trường từ rất lâu rồi, và sử dụng hiệu quả. SOS Môi trường sẽ lựa chọn những thiết bị đó về Việt Nam, nhưng có sự nghiên cứu, thay đổi và cải tiến cho phù hợp với điều kiện riêng của nước ta.

moi-truong1-1659686838.jpg

Những khó khăn của một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là gì, thưa anh? 

Phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay chỉ nhắm tới mục đích kinh doanh, không chú trọng tới môi trường. Hầu như vấn đề môi trường ít có trong ý thức của doanh nghiệp. Khi bạn nhắc nhở ai đó rằng, anh cần chú ý đến vấn đề bảo về môi trường trong bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào, họ sẽ lờ đi. Khi những chỉ tiêu về môi trường trong bất cứ sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh nào chưa được luật hóa, hoặc có luật rồi nhưng chưa kiểm soát nghiêm minh, thì doanh nghiệp vẫn lờ đi. Giống như khi tham gia giao thông, người ta phải chấp hành luật vì sợ cảnh sát đang đứng đó, chứ không phải vì ý thức sâu sắc rằng mình cần có trách nhiệm tuân thủ luật giao thông. Do đó, khi doanh nghiệp để dầu tràn ra môi trường, họ tìm mọi cách giấu diếm để không bị xử phạt, hoặc xử phạt mức độ xuê xoa, chi phí không đáng kể, thì người ta sẽ tiếp tục gây hại cho môi trường. Họ không quan tâm rằng từng giọt dầu nhỏ thoát ra môi trường hàng ngày sẽ góp phần đầu độc tương lai con em họ sau này.

Qua thực tế hoạt động của SOS Môi trường trong 11 năm qua, anh nhận thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước về xử lý sự cố dầu tràn ra sao?

Tôi thấy rằng, các doanh nghiệp của Nhà nước cũng như của tư nhân nói chung có thực hiện các qui định về bảo vệ môi trường nhưng chưa thực sự từ nhận thức, từ cái tâm, mà chỉ mang tính chất đối phó miễn sao không bị phạt. Còn nếu nói về doanh nghiệp thực sự dành mối quan tâm thỏa đáng cho hoạt động bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp Nhà nước mà chúng tôi được biết thì có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Họ có nhận thức và hành động như các doanh nghiệp tại các nước phát triển, không chỉ thực hiện đúng những quy định của Nhà nước về môi trường hiện nay, mà còn quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải nguy hại từ những năm cuối thế kỷ 20 khi nhà nước chưa có văn bản qui định cụ thể. Đặc biệt, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc của Petrolimex là một người rất tâm huyết với vấn đề môi trường. Ông ấy luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo an toàn môi trường. Nhưng ít doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu có tầm nhìn và hành động về môi trường được như vậy. Có những doanh nghiệp ứng xử với vấn đề này theo kiểu đối phó. Khi có đoàn kiểm tra, phát hiện vi phạm, họ sẽ “khắc phục vi phạm bằng ngoại giao” với chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với việc phải đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường nghiêm túc và đầy đủ theo quy định. Giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng thống nhất trên toàn quốc, nhưng chi phí kinh doanh của Petrolimex bị đội lên do chi phí bảo vệ môi trường, tức là khả năng cạnh tranh bị giảm so với các doanh nghiệp khác, nhưng họ vẫn làm. 

Theo anh, hoạt động ứng phó sự cố môi trường mà anh đang làm hiện nay có phải là cốt lõi để bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm?

Trước kia tôi nghĩ rằng phải tập trung mũi nhọn vào hoạt động phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu/ hóa chất. Tuy nhiên qua nhiều năm hoạt động, tôi hiểu sâu sắc rằng thủ phạm gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường không phải là các sự cố mà cơ quan quản lý chú trọng, mà là sự phát thải ô nhiễm diễn ra âm thầm hàng ngày từ hàng trăm ngàn cơ sở nhỏ lẻ như các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, điểm rửa xe/sửa xe, các phân xưởng cơ khí, từ hàng trăm ngàn tàu cá, xà lan, phương tiện vận tải thủy nội địa... Hàng triệu điểm xả thải hàng ngày vào môi trường không hề qua xử lý tạo nên khối lượng ô nhiễm khổng lồ lớn hơn hàng ngàn lần so với tổng lượng của tất cả các sự cố tràn dầu/ hóa chất gây ồn ào trên phương tiện truyền thông gộp lại xét trong vòng 2 thập niên gần đây. Tôi cho rằng cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm đến điều này. Hoặc có quan tâm nhưng còn lúng túng về giải pháp khả thi. Chẳng lẽ bắt buộc các tàu cá, xà lan phải bơm nước đáy tàu lên trạm trung tâm xử lý trên bờ, hay các cửa hàng xăng dầu phải xây dựng trạm xử lý nước thải. 

Tới sứ mệnh với môi trường

Vậy SOS Môi trường có giải pháp gì để góp phần xử lý nguyên nhân ô nhiễm âm thầm kinh khủng đó?

Đây chính là điều SOS Môi trường trăn trở nhiều năm. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm dầu/hóa chất khả thi, về mặt kĩ thuật có thể kiểm soát từng giọt dầu không để thoát ra môi trường, về mặt chi phí chưa bằng một lon nước ngọt mỗi ngày đối với một cơ sở nhỏ lẻ. Nghĩa là giải pháp đã có. Nhưng như tôi đã nói, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến môi trường. Họ chỉ thực hiện khi bị phạt, và khi thực hiện cũng rất hình thức. Tôi cho rằng hoạt động bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhận thức của doanh nghiệp, của người dân, và từ ngay cán bộ quản lý Nhà nước.  

Chúng ta nhìn thấy nguyên nhân của việc gây ô nhiễm môi trường, cũng đã có giải pháp với kinh phí thấp để ngăn chặn, nhưng việc áp dụng lại không được thực thi, do cả hai phía: Một là cơ quan chức năng không đưa vào quy định để bắt buộc thực hiện; Hai là do phía chủ doanh nghiệp không tự ý thức và chủ động làm. Vậy trước tình thế khó khăn này, SOS Môi trường có hành động gì?

Chúng tôi tổ chức những Hội thảo khoa học, đơn cử như cuộc Tọa đàm “An ninh môi trường” tổ chức tháng 8/2017 phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE). Trong đó, thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia môi trường tham gia. Tuy phải đầu tư kinh phí đáng kể, nhưng chúng tôi coi đó là hoạt động đóng góp của SOS Môi trường vì cộng đồng. Qua chương trình tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý nhìn rõ hơn thực trạng vấn đề và cách giải quyết khả thi. Lâu nay chúng ta nói mãi về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nhưng chẳng có hành động thay đổi nào cả, hoặc nếu có thì mang tính hình thức. Còn các doanh nghiệp, người dân thì sa vào chuyện cơm áo gạo tiền, quay cuồng kiếm tiền vì lợi ích nhỏ trước mắt mà tàn phá không thương tiếc môi trường, ngôi nhà đang chở che cho tất cả nhân loại. An ninh môi trường là một phần của an ninh quốc gia. Chúng tôi hy vọng sẽ thức tỉnh mọi người chung tay hành động. Chúng ta hãy thực hiện từ những việc dù nhỏ thôi, nhưng khả thi chứ không phải là cả chương trình hoành tráng, mà cuối cùng kết quả chẳng thay đổi gì.

Anh có thể cho biết thêm về những nghiên cứu, thay đổi, chế tạo lại thiết bị dùng trong việc phòng vệ môi trường, chống sự cố rò rỉ và tràn dầu, hóa chất của SOS môi trường trong thời gian qua?

moi-truong-2-1659686851.jpg

Thực chất phần việc quan trọng của chúng tôi là đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, giải pháp mới, cải tiến lại thiết bị mà các nước phương Tây đã sản xuất ra sao cho phù hợp với môi trường và doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như giải pháp kiểm soát ô nhiễm dầu hàng ngày, ứng phó chủ động sự cố tràn dầu 24/24 giờ, giải pháp tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố cho cấp tỉnh/thành phố với tính khả thi và hiệu quả thực sự nhưng chi phí chỉ bằng 1/50 so với đầu tư hiện nay.

SOS Môi trường cũng thực hiện những khóa đào tạo, tư vấn giải pháp hiệu quả phòng chống tràn xăng dầu, hóa chất cho các đơn vị cả Nhà nước và tư nhân. Vậy nội dung đào tạo của SOS Môi trường có gì khác biệt so với những trung tâm đào tạo cùng lĩnh vực?

Nếu như ở các trung tâm khác thường chỉ học lý thuyết hàn lâm, thì các khóa đào tạo của SOS Môi trường đều tập trung vào việc trang bị kĩ năng ứng phó sự cố thực tế, kĩ thuật xử lý ô nhiễm một cách trực quan tại hiện trường. Chúng tôi chủ trương tập trung huấn luyện vào các công việc và để học viên được thực hành luôn, sử dụng ngay những thiết bị thực tế thích hợp đối với doanh nghiệp. Không phải là nhữngthông tin nghe để biết, mà là việc cần nhúng tay hành động ngay. 

Để toàn dân có thể chung tay hành động vì môi trường thực tế nhất, theo anh có giải pháp nào?

Muốn mọi người cùng hành động vì môi trường, phải bắt đầu từ nhận thức. Việc thay đổi nhận thức, nếu chỉ hô hào như trước nay chúng ta vẫn làm thì không mấy hiệu quả. Nhận thức phải từ cơ quan quản lý, lập pháp tới người dân. Song song đó là giải pháp xử lý phù hợp điều kiện tài chính. Đơn cử, việc một doanh nghiệp đã có nhận thức bảo vệ môi trường, nhưng nếu áp dụng máy móc những quy định về trang thiết bị môi trường sẽ rất tốn kém, và họ tìm cách trì hoãn, thoái thác, tìm kẽ hở để lách. Vấn đề là giải pháp nào giúp họ trang bị, mà không quá tốn kém. Chúng tôi tự tin là các giải pháp tiết kiệm của SOS Môi trường sẽ góp phần thực tế vào hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Xin cảm ơn anh, và với những thiết bị tiên tiến, sáng tạo, mà SOS môi trường nghiên cứu chế tạo, mong rằng không chủ doanh nghiệp nào lại trì hoãn, đắn đo trước chi phó thấp mà tạo nên hiệu quả tốt như vậy trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: “Đất nước Việt Nam hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề ô nhiễm các dòng sông, vùng biển, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí. Chính phủ Việt Nam đã cam kết khắc phục triệt để những sự cố và chủ động ngăn chặn nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, để đi theo con đường phát triển bền vững. Làm thế nào để các dòng sông xanh trở lại, nguồn không khí trong sạch hơn, trả lại màu xanh cho rừng, núi? Làm thế nào để người Việt Nam được sống trong môi trường trong lành hơn? Trong thời gian qua, nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng đã xảy ra, cho thấy môi trường thực sự quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu môi trường không đảm bảo, bị suy thoái, thì xã hội, kinh tế cũng đi xuống. Thông điệp đó cần phải được từng người dân hiểu và thấm thía…”

* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh 

Kiều Bích Hậu