Bán hàng – đừng bán cả lương tâm

Thực phẩm “bẩn” xưa nay vẫn là nỗi ám ảnh của hầu hết các bà nội trợ. Giữa dòng đời xô bồ vội vã, có mấy ai làm nghề bán hàng thực phẩm đã từng sống chậm lại để tự vấn lương tâm? Người ta vẫn nói với nhau: Không ăn thì mới chết, còn ăn vào sẽ chết từ từ”. Đó là câu nói tự trấn an lòng mình của rất nhiều người tiêu dùng khi mỗi ngày đi qua đều nạp vào cơ thể những chất độc hại từ đồ ăn, nước uống.

Sản xuất hay buôn bán hàng ăn, nước uống, rau xanh, thực phẩm… công việc tưởng chừng như rất chính đáng và lương thiện, nhưng nếu không làm bằng cái tâm trong sạch, thì rất có thể sẽ biến họ thành những người mang nhiều tội ác. Nói về vấn đề phạm tội, người ta có thể dễ hình dung ngay đến những hành vi ồn ào, to tát, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thân thể người khác…mà đôi khi quên mất những sát thủ thầm lặng từ chính đồ ăn thức uống đang âm ầm huỷ diệt sự sống của mỗi con người. Cách đơn giản nhất để tiếp cận sự sống của mỗi người là qua đường ăn uống. Nhiều người vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bán cả lương tâm!

Còn nhớ câu chuyện của một người nông dân nào đó đã đang tâm lấy chổi gai cào xước luống rau, chỉ vì lỡ tay chăm luống rau quá xanh tốt và bắt mắt. Đánh vào tâm lý , thị hiếu khách hàng ưa đồ thực phẩm rau màu được trồng và chăm sóc tự nhiên để giảm chất độc từ các loại thuốc BVTV, người nông dân nọ đã hô biến để những mớ rau non mơn mởn ấy trở thành “ luống rau sâu”,  tuy xấu xấu một chút nhưng vì là  “của nhà trồng được” nên rất an toàn. Ít ai biết được, những loại rau đó có đảm bảo an toàn VSTP hay không.

phun-thuoc-1667893466.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: ateso.vn)

Tương tự như vậy, câu chuyện “rau 2 luống” cũng trở nên quá quen thuộc với cả người sản xuất kinh doanh nông nghiệp và người tiêu dùng. Người ta không còn xa lạ với việc các hộ trồng rau bán luôn có một luống an toàn để nhà ăn, và một luống tận dụng mọi loại phân bón hoá học, thuốc BVTV sao cho năng suất cao và nhanh thu hoạch nhất để bán ra thị trường, bất chấp vấn đề an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, khi thị trường “sốt” mặt hàng nào là bằng mọi giá, người sản xuất sẽ tìm mọi cách thúc đẩy sản xuất và cung ứng ra thị trường. Đó là lý do khiến người tiêu dùng ăn phải hàng không đảm bảo an toàn. Đơn cử như việc thịt lợn, thịt gà tăng giá, hay rau xanh của khu vực nào đó bị ngập lụt và trở nên kham hiếm, hoa quả đầu mùa đang còn thu mua được giá…một bộ phận người nông dân hoặc kinh doanh dịch vụ sẽ sẵn sàng chạy theo lợi nhuận để sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thu hoạch  và bán ra thị trường khi chưa đủ điều kiện thời gian cách ly. Việc làm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Chưa kể, việc làm đó còn vi phạm đạo đức xã hội, huỷ hoại sức khoẻ của mọi người. Thiết nghĩ: Nếu có ai đó tấn công trực diện, chắc chắn mỗi người chúng ta đều chủ động tìm cách này hay cách khác để tự bảo vệ mình chính đáng. Còn trong trường hợp này, nguồn thức ăn, nước uống tấn công con người thầm lặng, giết dần, giết mòn sự sống và cướp đi sức khoẻ của mỗi người, liệu có thể nào phát hiện được mà tìm cách thoát thân?

do-an-le-duong-1667893474.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: thamhiemmekong.com)

Tại nhiều quán ăn, cổng trường học và cửa hàng kinh doanh thực phẩm, người ta sẵn sàng tẩm hoá chất để giữ cho thực phẩm, thức ăn không bị thiu thối. Đáng buồn hơn, nó được bán cho chính con em chúng ta – những đứa trẻ vô tội đang vô tư ăn những món quà vặt hàng ngày. Ngay cả chính chúng ta – những người lớn có kiến thức về an toàn thực phảm đôi khi cũng phải bất lực chịu thua, tặc lưỡi gật đầu chọn mua các món đồ ăn nước uống hàng ngày, dù không biết chúng có thực sự an toàn cho sức khoẻ hay không. Ở một đám cưới nọ, niềm vui vu quy của đôi bạn trẻ chưa thành thì cả gia đình, họ hàng đã tá hoả vì tất cả các khách mời tham dự tiếc cưới nếu lỡ ăn món bánh dày đều có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều người già và trẻ nhỏ. Cũng không ít những điểm trường xảy ra tình trạng học sinh phải nhập viện cấp cứu, rửa ruột sau khi ăn phải bữa ăn có thực phẩm mất an toàn, không rõ nguồn gốc; số lượng bệnh nhân ung thư điều trị trong các bệnh viện liên tục gia tăng.

Vấn đề VSATTP không hề mới nhưng nó chưa bao giờ là cũ khi mỗi ngày chúng ta đều phải thích nghi với cuộc sống hiện đại. Nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học tập của các thành viên trong gia đình không thể bó hẹp mãi trong một gia đình. Làm sao trút bỏ được nỗi lo thực phảm mất an toàn khi hàng ngày mỗi chúng ta, hay vợ chồng con cái phải ăn uống, sinh hoạt, hội nghị, họp hành ở nhiều nơi? Làm sao có thể kiểm soát để mỗi ngày qua đi được yên tâm về sức khoẻ? Chỉ biết trông chờ vào ý thức tự giác trong mỗi con người. Ước mong mỗi sản phẩm họ làm ra đều gửi vào đó chữ tâm như làm cho chính gia đình, người thân sử dụng. Muốn nhắn nhủ họ một điều: Cứ bán hàng, nhưng đừng bán cả lương tâm!

Huyền Thương