Quảng cáo #128

‘An toàn thực phẩm và An ninh lương thực’ dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học

Ngày 26/8, Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ phối hợp với Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM với sự đồng hành của Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tổ chức Hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” thực lần 6 năm 2022. Hội thảo nhằm tập hợp lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trẻ và xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thực phẩm trong nước và quốc tế.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài báo khoa học của 154 tác giả, nhóm tác giả, thành viên đến từ 32 đơn vị trên cả nước như: Đại học (ĐH) Nông - Lâm Bắc Giang, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ, ĐH Tiền Giang, ĐH An Giang, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung.

1-1661595671.jpg
Hội thảo Khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương” thực lần 6 diễn ra ngày 26/8/2022 tại TP.HCM.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh lương thực, các giảng viên, học viên cao học, sinh viên, cán bộ đoàn viên ưu tú, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo gồm 2 phần: Phiên toàn thể và các Phiên tiểu ban chuyên đề. Các phiên tiểu ban chuyên đề được chia thành 3 tiểu ban với 18 bài báo cáo oral song song với chuyên đề là Sản xuất nông nghiệp và An ninh lương thực, Khoa học thực phẩm và Công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm. Phiên toàn thể bao gồm 2 bài tham luận, báo cáo của PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Duy - Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm (ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM) với chủ đề “Xu hướng phát triển thực phẩm chay tại Việt Nam và trên thế giới” và TS. Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM với báo cáo “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19”. Đây là những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh lương thực Việt Nam, định hướng phát triển lương thực bền vững trong tương lai và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu về các chủ đề có liên quan.

Phiên Tiểu ban 1 - Sản xuất nông nghiệp và An ninh lương thực với 6 báo cáo oral: Nghiên cứu xây dựng các phương pháp đánh giá, kiểm tra quá trình sản xuất thực phẩm, cải tiến sản xuất trên các mô hình sẵn có; tập trung vào báo cáo định hướng, thực trạng và tình hình sản xuất lương thực - thực phẩm tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm các mô hình sản xuất thực phẩm mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm thực phẩm tiêu dùng; nghiên cứu sử dụng các công nghệ hiện đại trong sinh học, hóa học và môi trường nhằm định lượng và định tính các hoạt chất có lợi và có hại trong thực phẩm, đánh giá tác động của sản xuất thực phẩm lên sức khoẻ và cuộc sống con người, từ đó có những khuyến cáo dành cho người tiêu dùng.

2-1661595718.jpg
4-1661595738.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” lần 6 diễn ra ngày 26/8/2022 tại TP.HCM.

Phiên Tiểu ban 2 - Khoa học thực phẩm với 6 báo cáo oral: Tập trung nghiên cứu về tính chất thực phẩm dưới các góc độ Hóa - Sinh - Lý, nghiên cứu cách để nông sản không phun xịt hóa chất mà vẫn tươi ngon nhằm tối ưu chất dinh dưỡng. Đề tài nghiên cứu về các loại thực phẩm sạch, hữu cơ và các thực phẩm công nghiệp được chế biến đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phiên Tiểu ban 3 - Công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm với 6 báo cáo oral: Tập trung vào nghiên cứu các phương pháp, công nghệ hiện đại để xác định các yếu tố từ môi trường bên trong và bên ngoài tác động, ảnh hưởng lên quy trình sản xuất thực phẩm để đảm bảo, nâng cao chất lượng thực phẩm; áp dụng lý thuyết dinh dưỡng và hệ thống kỹ thuật chế biến để thiết kế, xây dựng quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm nhằm giữ vững chất lượng, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, bảo quản thực phẩm an toàn và góp phần giảm tổn thất giữa thời điểm thu hoạch và đến tay người tiêu dùng. 

Sau hội thảo, các báo cáo chất lượng và xuất sắc đã được trao giải với cơ cấu giải thưởng gồm 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Các bài tham luận tham gia hội thảo sẽ được Hội đồng khoa học chọn phản biện sau đó sẽ được Ban tổ chức biên tập, đăng trên Kỷ yếu khoa học của hội thảo có chỉ số ISBN. Đồng thời, các báo cáo khoa học và kết quả thảo luận tại Hội nghị “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” lần nay là cơ sở để đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất về thực trạng và các giải pháp trong quy hoạch, phát triển hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm, cũng như các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” là một trong những hoạt động tiêu biểu và ý nghĩa trong việc tập hợp và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên và trí thức trẻ.
                                                                                                                                                                                                          

Đạm Quang Lê