Phát triển kinh tế các làng nghề truyền thống, đảm bảo về môi trường
Trong những năm qua, các làng nghề và nghề truyền thống là một phần văn hóa của tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình vận động của xã hội, các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề đang dần chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế, nhằm phù hợp với xu hướng phát triển. Những thay đổi này vừa mang lại thuận lợi, vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Việc thúc đẩy làng nghề phát triển là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra là: Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường là nghề, đảm bảo phát triển bền vững. Với lộ trình phù hợp, Bắc Ninh đã từng bước giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê và làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá. Hiện thực hoá mục tiêu, phát triển kinh tế đi đôi với chất lượng cuộc sống, người dân được thụ hưởng.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới đối với Đảng bộ tỉnh, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề phát triển Bắc Ninh bền vững dựa trên 3 trụ cột.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 -2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững trên 3 trụ cột cơ bản (phát triển kinh tế, tiến bộ về xã hội, đảm bảo về môi trường, các làng nghề truyền thống đi đôi với các giải pháp bảo vệ môi trường).
Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, dựa trên Đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh 2019 - 2025”, Tỉnh ủy đã thông qua Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”.
Để thực hiện hiệu quả các Đề án, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, với quyết tâm cao, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, đến nay vấn đề ô nhiễm tại 2 làng nghề gây ô nhiễm là Phong Khê và Văn Môn đã dần được xóa bỏ.
Để có được kết quả này, là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đưa ra lộ trình cụ thể, kiểm đếm từng đầu mục công việc, theo phương châm “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Giải quyết được vấn đề môi trường làng nghề, đã cụ thể hoá được chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phát triển Bắc Ninh theo hướng bền vững, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và tiến bộ xã hội.
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường
Tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất giấy và hơi thương phẩm đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Dù chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, yêu cầu các cơ sở phải sử dụng hơi thương phẩm và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Điều đáng nói, không ít cơ sở vì lợi ích kinh tế đã cố tình né tránh các quy định, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tình hình ô nhiễm môi trường không kém phần nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất, tái chế nhôm tại đây vẫn hoạt động mà không tuân thủ quy định. Một chủ cơ sở tại thôn Mẫn Xá cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất hàng tạ nhôm thành phẩm, mặc dù biết rõ rằng khí thải và bụi nhôm có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, họ vẫn bất chấp nguy cơ.
Đáng chú ý, vấn đề ô nhiễm tại xã Văn Môn không chỉ là ô nhiễm không khí. Tại đây, còn tồn tại hàng trăm nghìn tấn xỉ thải, gây ô nhiễm đất đai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Các cơ sở trong Cụm công nghiệp Mẫn Xá cũng không khá hơn khi nhiều lò đúc nhôm vẫn xả khí thải trực tiếp ra môi trường, khiến khu vực này bị đe dọa trở thành một "Mẫn Xá thứ 2" với ô nhiễm trầm trọng.
Trước tình hình này, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Năm 2024, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 1671-CV/TU, chỉ đạo việc giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tại phường Phong Khê, Cụm công nghiệp Phú Lâm và xã Văn Môn. Theo đó, các cơ sở sản xuất giấy và tái chế nhôm nằm trong khu dân cư sẽ phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2024. Các cơ sở trong Cụm công nghiệp nếu tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ được phép hoạt động đến hết năm 2029.
Về vấn đề này, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết không châm trước, không thoả hiệp, không có vùng cấm và không có ngoại lệ trong việc xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường".
Bên cạnh việc tuyên truyền, tỉnh Bắc Ninh cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm. Chỉ trong năm 2021 và 2022, đã có hơn 70 cơ sở sản xuất, tái chế giấy tại Cụm công nghiệp Phú Lâm và phường Phong Khê bị xử phạt và đình chỉ hoạt động, với tổng số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong năm 2024, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 2 vụ án, với 4 bị can bị truy tố về tội "Gây ô nhiễm môi trường", đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh với tội phạm môi trường.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê và xã Văn Môn đang dần được giải quyết. Tại phường Phong Khê, đến tháng 10/2024, 100% các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư đã ngừng hoạt động, vượt xa mục tiêu đề ra. Các lò hơi trong khu dân cư cũng đã được tháo dỡ. Tại Cụm công nghiệp Phong Khê I và II, 29/130 cơ sở đã dừng hoạt động, và thành phố Bắc Ninh đang tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở còn lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Đức Thịnh: Để ô nhiễm môi trường làng nghề Văn Môn không tái diễn, huyện Yên Phong sẽ tiếp tục chỉ đạo xã Văn Môn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hộ cô đúc nhôm có biểu hiện tái diễn để có biện pháp xử lý dứt điểm ngay không để tái diễn.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh Nguyễn Thị Hồng Linh cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố Bắc Ninh đã triển khai kiểm tra xử lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và an toàn điện trên địa bàn phường Phong Khê và đã hoàn thành việc kiểm tra, xử lý, dừng toàn bộ các cơ sở trong khu vực làng nghề.
Hiện nay, thành phố Bắc Ninh bắt đầu tiến hành kiểm tra, xử lý về lĩnh vực môi trường, an toàn điện tại các cơ sở trong Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2 với định hướng, chủ trương của tỉnh và thành phố là xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê đã dần trong sạch trở lại, dòng sông Ngũ Huyện Khê cũng đang dần lấy lại màu xanh vốn có của nó. Còn tại làng nghề Văn Môn, khói bụi, tiếng ồn không còn bủa vây người dân như trước nữa.
Để có được kết quả này, là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đưa ra lộ trình cụ thể, kiểm đếm từng đầu mục công việc, theo phương châm “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Giải quyết được vấn đề môi trường làng nghề, đã cụ thể hoá được chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phát triển Bắc Ninh theo hướng bền vững, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và tiến bộ xã hội./.