Nội dung được trao đổi tại Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn Hà Nội do Báo Tiền phong phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức vào ngày 20/8.
Chôn lấp rác không hợp vệ sinh làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện phát sinh gần 68.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỷ lệ chôn lấp lên tới trên 64%, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, việc hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn của tất cả mọi người là hành trình không hề dễ dàng. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mất nhiều năm để có thể làm điều này.
Theo quy định Luật Bảo vệ Môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại Hà Nội, số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho thấy, mỗi ngày thành phố có khoảng 7000-7500 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi người thải ra 0,8kg/ngày. Trong đó, gần 62% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, còn lại là xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.
Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 06 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã từ 01/01/2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Quý – Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay vấn đề chất thải rắn (CTR) đang là một trong những vấn đề nóng trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam nói chung và ở Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Muốn biến rác thành tài nguyên thì phải phân loại rác
Tại Thành phố Hà Nội, đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ năm 2006. Dự án được triển khai thí điểm trên tại 4 phường nội thành (phường: Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ). Từ năm 2006 đến hết năm 2009, có 18.000 gia đình được tập huấn cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì.
“Nguyên nhân là chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...”, ông Nguyễn Văn Quý thông tin.
Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn CTRSH. Ước tính, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5% mỗi năm, dự tính đến năm 2030, mỗi ngày Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.
Phân loại tại nguồn sẽ cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.
Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua việc phân loại CTRSH tại nguồn, Luật BVMT năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Luật BVMT 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả.
Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý./.