Artemia là tên của một loài giáp xác nhỏ sống ở những vùng nước mặn có biên độ mặn rộng từ vài phần nghìn đến 250 ‰. Artemia có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng đạm lớn và nhiều các axitamin, axit béo, chất khoáng cần thiết cho giai đoạn sinh trưởng của tôm cá. Thức ăn nuôi artemia là mùn bã hữu cơ, các vi tảo cực nhỏ hay các vi khuẩn có trong nước.
Mùa vụ nuôi artemia hàng năm thường bắt đầu khoảng vào tháng 10, tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Từ vài chục ha ban đầu, đến nay diện tích nuôi artemia tại Bạc Liêu đã tăng lên gần 360 ha. Ngoài các hộ nuôi cá thể thì tỉnh Bạc Liêu cũng đã thành lập 5 hợp tác xã nuôi artemia là: Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; hợp tác xã Artemia Thuận Thành, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; hợp tác xã Artemia Thuận Phát, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình; hợp tác xã Artemia Huy Điền và Danh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải.
Anh Trần Hữu Tâm, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình chia sẻ, khi mùa mưa kết thúc thì nông dân nuôi Artemia bắt đầu lấy nước mặn cải tạo chuẩn bị cho vụ artemia mới. Sau khoảng 20 ngày nuôi, artemia bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, 4 ha nuôi artemia của anh Tâm đã cho trứng. Năm nay nắng tốt, quá trình cải tạo ao nuôi thuận lợi nên thời gian thu hoạch trứng nhanh hơn, năng suất vì thế cũng khá cao.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc xuất bán trứng artemia ra nước ngoài gặp khó khăn, nên trứng tươi artemia hiện chỉ được thu mua với giá 900.000 đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với những năm trước. Mặc dù giá sụt giảm nhưng lợi nhuận mà người nuôi thu được cũng đảm bảo cuộc sống gia đình, hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số mô hình nuôi trồng khác.
Nuôi artemia không khó nhưng để đạt hiệu quả cao, ngoài yếu tố thời tiết, vốn đầu tư, nông dân còn phải lưu ý đến kỹ thuật, nhất là phải nắm rõ quy trình, kỹ thuật nuôi, thường xuyên theo dõi độ mặn ao nuôi. Từ kinh nghiệm thực tế được rút ra trong quá trình sản xuất, ông Châu Văn Phước, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết, artemia thường gặp một số biểu hiện bất lợi như: bị đục thân, bám bẩn, chậm phát triển, không đẻ trứng mà chỉ đẻ con… Để khắc phục các hiện tượng trên trong quá trình quản lý ao nuôi, ngoài vấn đề quản lý tốt thức ăn, dinh dưỡng thì người nuôi cần kiểm tra thường xuyên độ kiềm, độ pH.
Thời gian nuôi artemia chỉ diễn ra trong mùa khô, nhiều hộ dân đã kết hợp luân canh, thả các loài thủy sản khác sau khi kết thúc vụ nuôi artemia. Tiêu biểu như mô hình artemia - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân thử áp dụng mô hình này cho thấy, không chỉ tăng thu nhập mà khi kết thúc vụ nuôi artemia, nuôi tôm càng hiệu quả bởi chất lượng môi trường nước trong quá trình nuôi artemia rất thích hợp để tôm phát triển.
Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng mô hình artemia - tôm. Theo ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã, sau khi kết thúc vụ nuôi artemia, hợp tác xã sẽ cải tạo ao, thả nuôi tôm sú. Trong nhiều vụ nuôi, tôm phát triển rất tốt, ít bệnh hơn so với nuôi tôm thông thường bởi môi trường trong ao nuôi ít mầm bệnh hơn.
Bên cạnh đó, do đặc thù nuôi artemia, hợp tác xã không sử dụng các loại thuốc thủy sản hóa học mà chủ yếu sử dụng vi sinh. Sau vụ tôm, bùn và phân tôm trở thành thức ăn tốt cho artemia phát triển nhanh. Sự bổ trợ qua lại giữa artemia và tôm giúp việc nuôi khá thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Không những vậy, nhiều hợp tác xã nuôi artemia còn kết hợp nuôi tôm công nghệ cao theo hướng tuần hoàn khép kín, an toàn sinh học. Mùa khô, nước thải từ nuôi tôm công nghệ cao sẽ được trữ lại, chuyển sang ao nuôi artemia làm thức ăn cho artemia. Qua nhiều vụ nuôi, mô hình không chỉ mang lại lợi nhuận cho người nuôi mà còn mở ra hướng nuôi an toàn, hiệu quả và tiết kiệm cho nông dân. Đây cũng là một giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận cho nuôi.
Trứng artemia sản xuất tại Bạc Liêu được đánh giá cao trên thị ttrường thế giới. Bên cạnh cung cấp cho thị trường trong nước để làm thức ăn cho tôm giống, cua giống, trứng artemia còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, nghề nuôi artemia mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hiện đang được ngành nông nghiệp khuyến khích mở rộng diện tích trong thời gian tới./.