Bắc Kạn là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng, phong phú, đặc biệt với nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống mang nét văn hóa riêng là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị.
Với cơ cấu kinh tế 60% là nông lâm nghiệp, Bắc Kạn được cho là có nhiều lợi thế khi thực hiện đề án OCOP, bởi nơi đây có rất nhiều loại nông sản đặc trưng để phát triển thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn có sự khác biệt, mang đặc trưng gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của tỉnh; nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.
Từ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn quyết định công nhận 39 sản phẩm OCOP mới. Số lượng này giúp Bắc Kạn đạt 200% mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Các sản phẩm OCOP mới của Bắc Kạn chủ yếu thuộc lĩnh vực hàng thực phẩm, xếp hạng từ 3 sao trở lên, như trà bí đao, mật ong rừng, gạo Nhật Japonica, trà hoa vàng, trà giảo cổ lam...
Trong đó, huyện Pác Nặm có 3 sản phẩm, Ba Bể có 7 sản phẩm, Chợ Đồn 6 sản phẩm, Bạch Thông 10 sản phẩm, Chợ Mới 5 sản phẩm, thành phố Bắc Kạn 4 sản phẩm. Chủ thể sở hữu của các sản phẩm mới này gồm 10 hộ kinh doanh, 3 tổ hợp tác và 22 hợp tác xã. Đặc biệt đợt này, Bắc Kạn còn công nhận, xếp hạng 3 sao cho 2 sản phẩm du lịch, gồm Quỳnh Mai homestay và Du lịch cộng đồng Ba Bể (Ba Be Green Homestay) của 2 hộ kinh doanh du lịch ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Vừa qua, Bắc Kạn cũng cấp lại giấy chứng nhận cho 16 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 1 sản phẩm nâng hạng lên 4 sao. Như vậy, đến nay Bắc Kạn đã có 170 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao là miến dong Tài Hoan của hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì). Sản phẩm này được bán rộng rãi trên cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Bên cạnh gia tăng số lượng, chất lượng, trong năm qua, Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ tốt người dân tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Tỉnh đã tập huấn cho 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử, và huấn luyện kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm,...
Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, 44 sản phẩm của 33 hợp tác xã được giới thiệu trên cổng thông tin của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Nhờ vậy, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã đều tiêu thụ tốt sản phẩm, doanh thu cao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả bước đầu đạt được, chương trình OCOP của Bắc Kạn được đánh giá đang đi đúng hướng. Do đó, để thực hiện thành công hơn nữa, thời gian tới các địa phương và ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn, đồng thời tăng cường quảng bá để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn tập trung củng cố, phát triển nâng hạng các sản phẩm, đưa các sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng công ty CP bưu chính Viettel.