Bắc Giang tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 1853/SNN-CNTY ngày 18/7/2024 yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ.
nuoi-heo-4-1721740747.jpg
Vật nuôi cần được chăm sóc chu đáo, không để bỏ đói. Ảnh minh họa.

Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống mưa lũ cho đàn vật nuôi

Trong công văn nêu rõ, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mưa lũ cho đàn vật nuôi, tích hợp trong phương án phòng chống thiên tai của địa phương đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa bàn quản lý.

Tập trung chỉ đạo và áp dụng các biện pháp khả thi trong phòng, chống mưa lũ nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi ở địa phương. Cử các đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống mưa lũ cho đàn vật nuôi. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống mưa lũ cho đàn vật nuôi.

Thống kê đầy đủ thiệt hại về vật nuôi do ảnh hưởng của mưa lũ kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

images-1-1721740747.jfif
Chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh. Ảnh minh họa

Các giải pháp thực hiện phòng chống mưa lũ cho vật nuôi

Trước mùa mưa bão, thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu do thay đổi lớn về thời tiết hoặc dịch bệnh xảy ra sau đó.

Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt không làm chuồng trại chăn nuôi gần bờ sông, bờ suối, ta luy cao để tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cần chủ động nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa.

Đối với những vùng bị ngập lụt chuẩn bị sẵn phương án di dời vật nuôi lên những vùng đất cao bằng cách làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống.

Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của Cục thú y tại địa phương. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng.

Trong mưa bão, lụt, thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết, kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần. Có giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài.

Sau mưa bão, lụt phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Công tác tái đàn cần lựa chọn con giống có nguồn góc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ, không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh./.

Ngoài ra, các đơn vị trong ngành cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống mưa lũ cho đàn vật nuôi tại cơ sở, kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật... Qua đó, thường xuyên cập nhật thông tin biến động thời tiết khí hậu, thiên tai ảnh hưởng tới chăn nuôi trên địa bàn./.

Trần Quỳnh