Bắc Giang khẩn trương triển khai phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh Bạch hầu sau khi địa phương xuất hiện 1 ca bệnh dương tính  tại huyện Hiệp Hòa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
image-20230928094414-1-1720492292.jpeg
Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi

Trong công văn nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới nhằm phát hiện sớm ca bệnh/nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm. 

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng. Tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần Bạch hầu. Chỉ đạo công tác thu dung, điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các khu vực có ổ dịch và các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh Bạch hầu về UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch Bạch hầu; phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo đối tượng tiêm được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đang triển khai tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn. Đảm bảo kinh phí, nhân lực, khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh Bạch hầu xảy ra.

Đối với UBND huyện Hiệp Hòa cần thông tin ngay cho các địa phương ngoài huyện có trong lịch trình di chuyển của ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường theo quy định.

tiem-chung-1720492463.jpg
Đưa trẻ đi tiêm vacxin đầy đủ là việc làm hết sức cần thiết của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân hiểu biết hơn về bệnh Bạch hầu và các biện pháp phòng bệnh, cụ thể: Bệnh Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu, bệnh có khả năng lây lan nhanh, xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Khi có dấu hiệu sốt, đau họng, ho, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị. Cách phòng bệnh Bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

Cùng với đó, công văn cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị; vận động người dân, người thân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu đủ mũi, đúng lịch để phòng bệnh.

Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,...).

Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến, dễ nhận biết của bệnh. Bệnh có thể điều trị qua khỏi hoặc có thể gây tử vong chỉ trong 6 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh trung bình khoảng 5 – 10%./.

Trần Quỳnh