Ba Vì nỗ lực tìm chỗ đứng cho các sản phẩm nông sản sạch

Thời gian qua, Ba Vì đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tăng cường các mối liên kết tiêu thụ và mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản của địa phương, từng bước đưa thương hiệu nông sản sạch của huyện đến với thị trường.

Được biết, toàn huyện Ba Vì, TP Hà Nội hiện có 101 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Để tiếp tục góp phần quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân thì việc kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản và các sản phẩm chế biến sâu đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

mceclip07611-1663547402.jpg
Huyện Ba Vì nỗ lực tìm chỗ đứng cho nông sản sạch. Ảnh: Xuân Hiền

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất ở địa phương, anh Giang Văn Nhuần (ở Đội 4, thôn Tân An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng vải sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn và trụ cột, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Đồng thời, cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu nắng, chịu hạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2018 tôi về bàn với gia đình quyết định chuyển đổi 4 sào vải sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn và trụ cột.

Ban đầu anh Nhuần bỏ vốn gần tỷ đồng để đầu tư đổ cột bê tông cao 1,8 mét làm trụ, mua ống sắt làm giàn, mua hệ thống tưới phun cho cả vườn thanh long, tìm mua giống thanh long ruột đỏ về trồng cho quả tự nhiên từ tháng 4 - 10 âm lịch.

Đến nay, mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nhuần không chỉ có quy mô lớn tại địa phương mà còn trồng đúng kỹ thuật, chủ động nguồn nước ngọt khi khô hạn kéo dài…

Nhờ vậy mỗi năm, mô hình thanh long của anh cung cấp ra thị trường khoảng 200 – 300 tạ quả/năm với giá bán giao động từ 20 -25 nghìn đồng/1kg. Đây là năm thứ 2 mô hình thanh long của gia đình anh Nhuần cho thu hoạch mới được 2 lứa và cứ mỗi lứa tiếp theo cho năng suất cao hơn.

Đến nay, toàn huyện Ba Vì có gần 500ha bưởi diễn. Trong đó, hơn 6ha được bà con nông dân chuyển đổi từ trồng bưởi truyền thống sang chăm sóc hữu cơ. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại kết quả đáng phấn khởi.

Điển hình như, HTX nông nghiệp Yên Bài, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đang có hai dòng sản phẩm chính là bưởi và chè đều đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

dsc-089814-1663547422.jpg
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh Xuân Hiền.

Với chất lượng vượt trội, mỗi vụ, hợp tác xã có khoảng 35.000 quả bưởi Vân Nam chín sớm cho thu hoạch từ tháng 8 - tháng 9 và khoảng 100.000 quả bưởi Diễn cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, cùng hàng chục tấn chè hữu cơ.

Vùng bưởi và chè của xã hình thành từ lâu, chất lượng tốt, sau khi sử dụng lần đầu, khách hàng đều tiếp tục mua....

Gia đình ông Trương Đức Hoàng, ở thôn Đông An, xã Thụy An có hơn 1ha bưởi Diễn. Toàn bộ diện tích này được ông trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, quả bưởi to, tép bưởi giòn tan và năng xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách trồng, chăm sóc truyền thống.

Ông Hoàng chia sẻ, phân hữu cơ giữ được độ ẩm của đất, giúp đất tơi, xốp, làm cho trái mướt, bền bỉ. Mặc dù, màu xanh của quả bưởi được bón phân hữu cơ không mướt mát như bón phân vô cơ, nhưng độ ngọt quả bưởi lại rất khác.

Để cây bưởi khỏe, cần phải bón phân hữu cơ đúng chuẩn theo quy trình mỗi năm 5 lần, trung bình mỗi cây từ 3-5kg. Nếu bà con lơ là, không cho cây đủ chất dinh dưỡng, hoặc bón không đủ tiêu chuẩn sẽ không phát huy được hết tác dụng.

"Điều mà chúng tôi và các hộ làm nông nghiệp sạch, công nghệ cao, đạt chuẩn hữu cơ mong muốn được kết nối nhiều hơn nữa với các đơn vị phân phối lớn để giới thiệu và hợp tác tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, là các sản phẩm ở huyện Ba Vì đều được đầu tư chế biến, bảo quản tốt; bao bì, nhãn mác sản phẩm bắt mắt; các sản phẩm đều mang tính đặc sản vùng miền...", ông Hoàng bộc bạch.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản, sản phẩm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng thị trường trong và ngoài nước; góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

vo-chong-ba-phung-thi-tho-c3-1663547444.jpg
Bà nông dân huyện Ba Vì chăm sóc cây bưởi hữu cơ.

Theo ông Chu Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì, tuy nhiên, việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn thô sơ, mẫu mã bao bì đóng gói, tem nhãn chưa chuyên nghiệp; đầu tư còn ở mức độ nhất định; liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Hy vọng, với sự vào cuộc, thương thảo liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản lớn, nông sản của huyện Ba Vì sẽ có nhiều bứt phá vươn lên.

"Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Ba Vì tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất gắn với chế biến, phát triển thương mại dịch vụ.

Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng và phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của Ba Vì như: Sữa Ba Vì, rượu mơ Núi Tản, chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng, gà đồi Ba Vì, mật ong núi Ba Vì, tinh bột nghệ Ba Vì, Tố Tâm chay...", ông Chu Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết.