Anh: Liên hiệp Nghiệp đoàn Thương mại kêu gọi chính phủ tăng lương cho người lao động

Người đứng đầu Liên hiệp Nghiệp đoàn Thương mại Anh (TUC) cho biết, người lao động Anh phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao vào năm 2022 và họ cần được tăng lương nhiều hơn sau “thập kỷ mất mát” về tăng trưởng tiền lương dưới thời các chính phủ do Đảng Bảo thủ lãnh đạo.

Trong thông điệp năm mới của mình, Tổng Thư ký TUC Frances O’Grady kêu gọi các bộ trưởng Anh thực hiện các bước khẩn trương để thúc đẩy đà tăng trưởng mức lương trên toàn quốc, trong bối cảnh giá năng lượng và các chi phí khác tăng cao.

Bà O’Grady nhấn mạnh rằng, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson không thể "ngồi yên” trước cuộc khủng hoảng tiền lương này sau khi cắt giảm các chương trình phúc lợi và công bố kế hoạch đánh thuế người lao động vào năm tới. Bà nói thêm: “Sau nhiều thập kỷ cắt giảm tiền lương và mức sống giảm, không ai có thể nghiêm túc nói rằng những người lao động tại Anh không xứng đáng được tăng lương. Đó là ưu tiên của tôi và ưu tiên của nghiệp đoàn vào năm 2022. Thủ tướng Anh cũng coi đây là vấn đề ưu tiên”.

Thông điệp của bà O’Grady được đưa ra khi áp lực đang đè nặng lên Chính phủ Anh trước thực trạng chi phí sinh hoạt và tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, kế hoạch chi tiêu và đánh thuế của Đảng bảo thủ sẽ tác động tiêu cực thêm tới mức sống của người dân.

vna-potal-covid-19-ngay-cang-nhieu-nguoi-dan-anh-deo-khau-trang-phong-lay-nhiem-stand-1640850641.jpeg
Trong ảnh (tư liệu): Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 24/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

TUC cho biết, năm 2022 được coi là "năm của sự siết chặt hầu bao" khi các hộ gia đình phải đối mặt với mức thu nhập trung bình 1.200 bảng Anh/năm do đà tăng lương trì trệ, thuế cao hơn và giá năng lượng nhảy vọt. Nhấn mạnh tới khó khăn tài chính đối với các gia đình lao động, bà O’Grady cho biết các chính phủ do Đảng bảo thủ lãnh đạo đã không tăng lương cho người lao động trong 11 năm qua, đánh dấu thời kỳ đình trệ tăng lương lâu nhất trong nhiều thập niên qua. Mức lương thực tế của hàng triệu người thậm chí còn thấp hơn so với mức lương trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo bà O’Grady, các bộ trưởng cần làm việc với các nghiệp đoàn để phát triển một “kế hoạch kinh tế dài hạn”, bao gồm việc sử dụng các thỏa thuận trả lương công bằng, theo đó Chính phủ phải tập hợp các đại diện của người lao động và người sử dụng lao động để đưa ra mức lương tối thiểu, các điều khoản và điều kiện cho từng lĩnh vực cụ thể. Các biện pháp khác cũng được bà O’Grady nêu ra bao gồm tăng ngay lập tức mức lương để đảm bảo điều kiện sống cơ bản của quốc gia lên là 10 bảng Anh/giờ, cấm các hợp đồng lao động không có giờ làm, sa thải bất hợp pháp và chấm dứt hoạt động thuê lao động chui.

Mức lương trung bình của người lao động Anh hiện tại là 8,91 bảng/giờ dự kiến sẽ tăng lên 9,50 bảng/giờ kể từ tháng 4/2022./.