Lược sử hình thành vùng đất An Giang
Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch), với ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình, tên gọi An Giang ra đời.
An Giang là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh) vào thời nhà Nguyễn độc lập, thành lập năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Nam Kỳ lục tỉnh khi ấy gồm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, tháng 02/1976, tỉnh An Giang chính thức được tái lập trở lại. Ban đầu có 8 huyện (Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Huệ Đức, Phú Châu, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn) cùng 2 thị xã (Long Xuyên, Châu Đốc), tỉnh lỵ đặt tại TX. Long Xuyên. Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận.
Ngày 01/3/1999, TP. Long Xuyên được thành lập; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II (ngày 14/4/2009). Ngày 24/8/2009, TX. Tân Châu được thành lập. Ngày 19/7/2013, TP. Châu Đốc được thành lập; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II (ngày 15/4/2015). Ngày 23/7/2020, TP. Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Đến nay, tỉnh An Giang có 2 thành phố (Long Xuyên, Châu Đốc), 1 thị xã (Tân Châu) và 8 huyện (Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú).
190 năm truyền thống trong tiến trình phát triển của đất nước
Có diện tích tự nhiên 3.536 km2, dân số trên 2 triệu người, đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 8 trong cả nước. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, với 156 xã, phường, thị trấn.
Nằm ở thượng nguồn dòng Cửu Long, hạ nguồn sông Mekong, có đường biên giới dài gần 100km với Vương quốc Campuchia, An Giang là tỉnh có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Với bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua 190 năm thăng trầm của nhiều giai đoạn lịch sử, nhân dân An Giang luôn phát huy ý chí và khát vọng đổi mới xây dựng tỉnh An Giang ngày càng giàu đẹp hơn.
Ngày 22/11/2022, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày Truyền thống thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022).
Nhìn lại chặng đường 190 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang luôn tự hào và mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân đã có công khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương yên bình, tươi đẹp như ngày nay. Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới.
Đảng bộ tỉnh An Giang phấn đấu năm 2030 đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...
An Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt, là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… cùng chung sống hòa thuận lâu đời, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú với 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. An Giang còn vinh dự, tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi có dãy Thất Sơn hùng vĩ, tỉnh đầu nguồn của dòng Cửu Long cuồn cuộn đổ về Đông.
Với bề dày lịch sử - văn hóa, truyền thống kiên cường, suốt chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, nhân dân An Giang với truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đạt được trong thời gian qua là kết tinh của truyền thống đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, trong chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.