Một năm đầy nỗ lực của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2023, ngành du lịch đã nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng chất các sản phẩm du lịch hiện hữu qua việc công bố gần 60 sản phẩm du lịch dành cho nhiều phân khúc khách du lịch. Đổi mới các sự kiện thường niên, tổ chức thêm sự kiện mới quy mô lớn, các sự kiện đã giúp cho nhiều cơ sở kinh doanh tăng doanh thu, công suất phòng lưu trú cũng tăng. Việc đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều cách làm và nhiều đối tượng, trong đó có gần 1.000 tài xế taxi đã được bồi dưỡng kiến thức du lịch, kỹ năng giao tiếp, hướng đến xây dựng hình ảnh mỗi tài xế taxi là một đại sứ du lịch, mỗi chuyến xe là một hành trình tham quan, tìm hiểu Thành phố.
Các hoạt động liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng, khu vực đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Hoạt động cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cũng được quan tâm. 100% thủ tục hành chính do Sở Du lịch chủ trì giải quyết đều được rút ngắn với thời gian từ 30-80% so với quy định. Các dữ liệu tài nguyên du lịch được số hóa cập nhật trên các nền tảng số.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những nỗ lực quyết tâm bằng hành động cụ thể đó đã góp phần thu hút 40 triệu lượt khách đến Thành phố trong năm 2023. Trong đó, khách quốc tế là 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm 2022, chiếm 40% khách quốc tế của cả nước, khách du lịch nội địa đạt 35 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2022, chiếm 32% khách nội địa của cả nước”.
“Sự tăng trưởng về lượng khách đã giúp cho doanh thu ngành du lịch có mức tăng trưởng ấn tưởng đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022, chiếm 24% doanh thu của cả nước và tăng 13,5% so với năm 2019, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua (2019-2023), đóng góp khoảng 10% vào trong cơ cấu GRDP của Thành phố. Với những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á, điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á, nằm trong top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Thành phố mặc dù có tăng trưởng mạnh so với năm 2022, song chỉ mới phục hồi khoảng 60% so với năm 2019, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 70%. Trong top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023 (dựa trên 6 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, chính sách du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến, sức khỏe và an toàn, tính bền vững), Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 85, nhưng nhìn sang các nơi khác trong khu vực thì Singapore xếp thứ 11, Băng Cốc xếp thứ 33, Phuket thứ 80 và Pattaya-Chonburi thứ 84.
“Điều đó cho thấy, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần phải bứt phá hơn nữa bằng nhiều giải pháp, cách làm mới, sáng tạo hơn nữa, đồng thời cần có sự chung tay phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 qua 8 mục tiêu trọng tâm
Năm 2024, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, với phương châm đoàn kết - chủ động - sáng tạo - quyết tâm - kiến trì, ngành du lịch Thành phố sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn so với năm 2023, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Thành phố. Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực tăng trưởng cho kinh tế Thành phố, năm 2024 ngành du lịch Thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 8 nhiệm vụ. Cụ thể:
Thứ nhất: Tập trung triển khai các chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và các chương trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, chủ động tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung của Thành phố và trong quá trình đầu tư, triển khai các dự án hạ tầng đô thị, dịch vụ thương mại, văn hóa - xã hội của Thành phố.
Thứ hai: Đẩy mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực cho du lịch phát triển gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Thực tiễn cho thấy các giải pháp tạo bước đột phá cho phát triển du lịch, bên cạnh sự chủ động tham mưu của ngành Du lịch, phải có sự chủ động “vào cuộc” quyết liệt, đồng bộ như “người trong cuộc” của nhiều ngành khác.
Thứ ba: Tập trung nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng của các quận, huyện và cả Thành phố. Chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã tăng sức hấp dẫn cho điểm đến với hàng loạt sản phẩm được công bố, ra mắt. Để tăng thêm sự phong phú, đa dạng của sản phẩm du lịch Thành phố, cần lan tỏa mạnh mẽ chương trình này đến các phường, xã, thị trấn theo tinh thần “Mỗi phường, xã một hoạt động thiết thực cho phát triển du lịch” nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch; đồng thời, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường.
Thứ tư: Tiếp tục thúc đẩy việc liên kết du lịch vùng hiệu quả, thực chất trên cở sở khai thác thế mạnh của từng vùng, liên vùng và đặc trưng của từng địa phương, bởi thực tế để liên kết, ngoài cái chung, cần phải có cái khác biệt. Có khác biệt mới có thể liên kết lâu dài. Tập trung khai thác tối đa từ các chương trình hợp tác phát triển đa ngành (kinh tế - xã hội) mà Thành phố đã ký kết với các vùng trong cả nước, song song với việc tiếp tục phát huy những liên kết chuyên ngành du lịch đã có. Việc thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng cũng cần gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ năm: Du lịch được xác định là một trong những trụ cột Thành phố cần tập trung thực hiện chuyển đổi số trong năm 2024 gắn với việc thực hiện chủ đề năm của Thành phố. Vậy nên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong công tác quản lý ngành, trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch và nhất là trong truyền thông quảng bá điểm đến, xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Thành phố và triển khai các chiến dịch truyền thông ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kết hợp xúc tiến trong và ngoài nước để đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Nội dung này cũng cần sự hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ từ Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Sở Thông tin Truyền thông Thành phố để việc thực hiện được đồng bộ, tránh lãng phí.
Thứ sáu: Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch, chất lượng nguồn nhân lực tại các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và chất lượng hướng dẫn viên. Có cơ chế thu hút những người đã nghỉ hưu còn sức khỏe, đam mê du lịch và lực lượng sinh viên năm 3, 4 của các trường du lịch tham gia phục vụ tại các khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.
Thứ bảy: Thường xuyên quan tâm lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng nhiều cách làm hiệu quả, bởi doanh nghiệp vừa là thành phần tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, vừa là thành phần tham gia triển khai hoạt động phát triển du lịch và là thành phần thụ hưởng thành quả của hoạt động phát triển du lịch Thành phố. Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của khách du lịch; thường xuyên chủ động tự đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực của mình và mạnh dạn tham gia hiến kế và đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tám: Quan tâm phối hợp các ngành, các cấp xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn; tăng cường kiểm tra năng lực hành nghề của tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch; quan tâm tạo điều kiện cho nhóm người yếu thế tiếp cận các chương trình, hoạt động du lịch./.