Quảng cáo #128

Du lịch TP. Hồ Chí Minh bứt phá ngoạn mục năm 2022, tiếp tục tăng tốc trong năm 2023

Năm 2022, số lượng khách quốc tế và nội địa đạt hơn 35.000.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch đạt 120.000 tỷ đồng. Định vị của điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”; là 1 trong 2 thành phố của châu Á nằm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới”. Đó chính là tiền đề cho du lịch TP. Hồ Chí Minh tăng tốc trong năm 2023.

Năm 2022, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn phục hồi
Năm 2022, ngành Du lịch Thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tăng tốc trong giai đoạn phục hồi. Với hơn 35 triệu lượt khách quốc tế và nội địa đến Thành phố, cùng hàng loạt các giải thưởng của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”; là điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè. Gần đây nhất TP. Hồ Chí Minh là một trong hai Thành phố của Châu Á năm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022 đã định vị rõ nét du lịch TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới, đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của ngành du lịch Thành phố. 

1-1675477920.jpg
2-1675477932.jpg
3-1675477945.jpg
4-1675477967.jpg
Sự bứt phá ngoạn mục trong năm 2022 của du lịch TP. Hồ Chí Minh là tiền đề cho việc tiếp tục tăng tốc trong năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Để có được kết quả trên không phải là điều dễ dàng, ngành du lịch Thành phố đã phải trải qua nhiều nỗ lực, trăn trở và với quyết tâm cao đã chủ động tham mưu, đề xuất triển khai hàng loạt các giải pháp phục hồi với kỳ vọng đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề, nhanh chóng ổn định du lịch của Thành phố và kích thích phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác”.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” trong khuôn khổ ITE 2022 xác định: “Để đẩy mạnh các hoạt động phục hồi phát triển du lịch bền vững, thích ứng với tình hình, xu thế mới của thế giới và khu vực đề nghị chiến lược về du lịch cần thực hiện những vấn đề mấu chốt gồm: Phát triển xanh, số hóa và ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực”. 

“Bám sát chỉ đạo trên của Chính phủ và của Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Du lịch đã nỗ lực chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động sự tham gia tích cực của các sở, ngành, quận, huyện và đặc biệt là sự vào cuộc đồng hành chủ động của các doanh nghiệp, các chuyên gia, các tầng lớp xã hội trong việc hiến kế, góp phần hồi phục du lịch thành phố trong trạng thái bình thường mới”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.

Điểm qua những sự kiện, giải pháp đạt hiệu quả cao, đánh dấu sự hồi phục nhanh, mạnh, bứt phá ngoạn mục của ngành du lịch Thành phố năm 2022 như sau:

Thứ nhất: Điểm nổi bật của năm 2022 là ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công chương trình “mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Không chỉ nỗ lực thực hiện tốt vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất nước mà còn nỗ lực đổi mới sản phẩm để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Định và nhịp sống hiện đại của TP. Hồ Chí Minh. Giải pháp này thực sự đã phát huy thế mạnh, bản sắc của du lịch của TP. Thủ Đức và các quận, huyện; thúc đẩy yếu tố liên kết vùng, sự cộng đồng trách nhiệm của sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp.

Việc triển khai chương trình “mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Lãnh đạo UBND Thành phố; sự chủ động của các quận, huyện, TP. Thủ Đức, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay hợp tác của các ngành, lĩnh vực khác của Thành phố. Chương trình đã tạo nên một phòng trào thi đua trong công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương; đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp đồng điệu giữa các ngành và hơn hết chương trình đã khởi xướng cho một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch Thành phố với bao điều mới lạ; tạo nên bức tranh du lịch Thành phố sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó 30 sản phẩm du lịch mới của các quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Đặc biệt, nhằm chuẩn bị các chương trình du lịch chào đón Tết Quý Mão 2023, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các chương trình du lịch cụ thể phù hợp với nhu cầu của từng du khách. Ngoài các chương trình du lịch liên kết với các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, đặc biệt năm nay, triển khai chương trình mỗi quận huyện một sản phẩm, các doanh nghiệp lữ hành Thành phố sẽ chú trọng triển khai các chương trình trải nghiệm để du khách lựa chọn du lịch từ một ngày và cả tuần tại Thành phố, như: 

+ Theo dấu chân biệt động Sài Gòn

+ Theo dòng lịch sử những dấu chân thầm lặng “Biệt động Sài Gòn”

+ Ký ức Biệt động Sài Gòn; Về lại chiến trường xưa theo dấu chân Biệt động Sài Gòn - Dinh Độc Lập

+ Hành trình theo dấu chân Bác; Biệt động Sài Gòn - Đặc công rừng Sác (Cần Giờ)

+ Sài Gòn - Di sản trăm năm

+ Sài Gòn - Dấu ấn thời gian; Lần theo dấu vết – Tỷ phú Sài Gòn xưa

+ Sài Gòn rong ca chiều thứ 7.

+ Sài Gòn đẹp lắm! Trải nghiệm xe buýt hai tầng - Xuôi dòng Bình Trị Giang.

+ Huyền thoại một dòng kênh.

+ Vọng nguyệt.

+ Lãng mạn trên dòng kênh huyền thoại.

+ Một thoáng Sài Gòn.    

+ Dáng xưa...

Một trong những sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn trong dịp Tết năm nay là sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là sản phẩm khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với các giá trị tự nhiên khác như làng nghề truyền thống, bản sắc văn hoá của người dân bản địa và cộng đồng dân cư tại Thiềng Liềng. 

Ngoài ra ngành Du lịch Thành phố đã đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch phân khúc thị trường khách trung và cao cấp: Hai sản phẩm đặc trưng, mới của Thành phố phải kể đến là sản phẩm du lịch mới, độc đáo “Ngắm Thành phố từ trên cao” bằng máy bay trực thăng và “Du thuyền trên Sông Sài Gòn”. Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ, tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền sản phẩm du lịch y tế; xây dựng Kế hoạch sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm; nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực áp dụng tại Thành phố, xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực và Bộ nhận diện nhà hàng đạt tiêu chuẩn; triển khai Kế hoạch liên tịch về du lịch MICE.

Thứ hai: Xác định công tác truyền thông giữ vai trò quan trọng, ngành du lịch đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước. Lần đầu tiên du lịch thành phố được quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế CNN; kỳ vọng việc quảng bá qua kênh truyền hình quốc tế CNN tiếp tục đưa công tác quảng bá xúc tiến lan tỏa đến các thị trường trọng điểm và tiềm năng trên thế giới để ngày càng nhiều du khách nước ngoài mong muốn đến và mong muốn quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. 

Tiếp đến là triển khai chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” nhằm giới thiệu hình ảnh TP. Hồ Chí Minh sống động, đổi mới từng ngày. Quảng bá, xúc tiến truyền thông cho du lịch Thành phố và thương hiệu du lịch Thành phố trên các báo viết, các kênh truyền hình, phát thanh. Triển khai kế hoạch đến các KOLs và Bloggers để cùng hưởng ứng, đồng hành cùng chiến dịch quảng bá, truyền thông cho thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh. 

Chương trình đã tạo được dấu ấn đặc biệt về sự sáng tạo, quyết tâm bằng chuỗi các hoạt động phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực; bằng hàng loạt các sự kiện quảng bá xúc tiến trong và ngoài nước. Chương trình là “sợi dây” xuyên suốt, gắn kết các chuỗi sự kiện, hoạt động của ngành; là “làn gió mới” thúc đẩy sự chung tay, đồng hành của các sở, ngành lĩnh vực kinh tế khác phát triển cùng một hướng; là động lực để ngành du lịch vươn lên, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững kinh tế xã hội của Thành phố. Chương trình truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” tự hào, vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TP. Hồ Chí Minh năm 2022. 

Thứ ba: Giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch phù hợp với xu thế và nhu cầu du lịch của khách du lịch trong và ngoài nước. Sở Du lịch đã tiến hành công bố và cập nhật tài nguyên du lịch gồm 366 tài nguyên du lịch trên ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (app du lịch), Google Earth, Google Map; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch: ứng dụng Công nghệ 3D trong tổ chức sự kiện thông tin, quảng bá du lịch, nâng cao năng lực truyền thông về các địa điểm du lịch của Thành phố triển khai bản đồ du lịch Map 3600; tổ chức nhiều cuộc hội thảo diễn đàn về ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động du lịch đáp ứng xu hướng, nhu cầu du lịch của các phân khúc thị trường khách du lịch.  

Đặc biệt, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công “Hội nghị chuyển đổi số tại các khách sạn” để giới thiệu những sản phẩm công nghệ thông minh, những ứng dụng phần mềm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong ngành khách sạn: ứng dụng photo booth chụp hình 360 độ, giới thiệu hệ thống các trung tâm điều khiển thông qua giọng nói, điện thoại thông minh; các phần mềm tích hợp quản lý hệ thống khách sạn, kết hợp bán hàng trên các kênh OTA, cổng thanh toán di động. 

Ngành Du lịch Thành phố đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Hội nghị chuyển đổi số trong ngành khách sạn sẽ là cầu nối để các ý tưởng, sáng kiến của các chuyên gia về công nghệ số và chuyên gia về lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ được gặp nhau, cùng trao đổi và nhiều giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực khách sạn được hình thành và phát triển.

Thứ tư: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa lại du lịch quốc tế, tăng cường thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển sau dịch trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư để khai thác và phát huy các tiềm năng thế mạnh của các bên, góp phần phát triển du lịch bền vững, Sở Du lịch đã phối hợp tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tại Thành phố thu hút sự chú ý, gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến TP. Hồ Chí Minh đối với khách du lịch, tạo được điểm nhấn với các sự kiện chính, như: Lễ hội tết Việt Nam 2022, Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2022 (ITE-HCMC 2022), Tuần lễ du lịch TP. Hồ Chí Minh; Lễ hội Khinh khí cầu, Giải marathone quốc tế lần thứ 5. Chuỗi hoạt động trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thành phố giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân địa phương và khách du lịch trong nước với các hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần kích cầu du lịch nội địa, phục hồi ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh; tạo khí thế để các ngành kinh tế khác cùng phát triển, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Thứ năm: Tập trung đẩy mạnh công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh/thành bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBBD Thành phố, có vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch thành phố nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo đà cho ngành du lịch Thành phố phát triển đối với phân khúc thị trường khách du lịch nội địa; vượt ra khỏi phạm vi địa phương, giải pháp này đã mang lại sức bật cho du lịch cả nước và các địa phương có ký kết hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh. Đến nay Thành phố đã ký kết với 48 tỉnh, thành và 6 cụm của cả nước.  

Thứ sáu: Để có những bước đột phá, đổi mới sáng tạo, ngành du lịch Thành phố đã phối hợp tổ chức các cuộc thi huy động sự đóng góp, cống hiến của cộng đồng đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch, thu hút những giải pháp thiết thực khôi phục du lịch Thành phố, đồng thời tiếp tục tạo môi trường, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành du lịch. Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Chung tay khởi động du lịch” và Cuộc thi Thiết kế quà tặng lưu niệm”, Hội thi Hướng dẫn viên du lịch.

Thứ bảy: Xác định thiếu hụt về nguồn nhân lực là khó khăn lớn nhất của ngành du lịch, nên ngay từ khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, ngành du lịch Thành phố đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Kết quả, đến nay ngành du lịch cơ bản đã kiểm soát được sự thiếu hụt về chất lượng và số lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch. Đã phối hợp với các trường, đơn vị liên quan bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho 600 học viên; để đáp ứng bồi dưỡng đội ngũ nhân lực ngoại ngữ tiếng hiếm, ngành du lịch đã phối hợp Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc, Trung tâm Văn hoá Idecaf, Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc và Chi hội Hướng dẫn viên du lịch bồi dưỡng tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn Quốc. Trong khuôn khổ thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã tào tạo 180 học viên cho các địa phương.

Thứ tám: Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch: Đến nay hoạt động kinh doanh du lịch đã có nhiều khởi sắc; công tác cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được rút ngắn về thời gian giải quyết các thủ tục . 

Từ sự cố gắng bền bỉ trong công tác quản lý đến hoạt động kinh doanh, đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch; từ hoạt động truyền thông đến công tác quảng bá xúc tiến du lịch; từ phát triển đa dạng hoá sản phẩm du lịch đến chiến lược phát triển du lịch bền vững và lâu dài đã khắc hoạ một bức tranh nhiều gam màu tăng trưởng năm 2022 và là nền tảng cho năm 2023. 

Năm 2023, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng tốc thu hút khách du lịch trong ngoài nước
Năm 2023, dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục khó khăn, do khủng hoảng tài chính và xung đột vũ trang, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Song, với quyết tâm cao, Ngành du lịch Thành phố kỳ vọng sẽ tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính: 

1. Tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng.

2. Tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch Thành phố. 

3. Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.

4. Đón 5.000.000 lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

2. Tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có. Tiếp tục phối hợp doanh nghiệp du lịch, các đơn vị tư vấn, các chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư, các quận huyện và TP. Thủ Đức triển khai phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố theo chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 về du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, về du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, về phát triển sản phẩm du ẩm thực, MICE, lịch y tế, thể thao, chương trình “100 điều thú vị”; nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực.  

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động chuyển đổi số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. 

4. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. 

5. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng quản lý, điều hành của doanh nghiệp du lịch, lực lượng lao động trực tiếp, tổ chức các lớp chuyên đề, lớp nghiệp vụ ngắn hạn nhằm bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa. Tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng ngôn ngữ hiếm khác cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. 

6. Tập trung các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô các các sự kiện du lịch, các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch trong phạm vi cả nước và quốc tế, với mục đích quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch Thành phố, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách đến tham quan, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

7. Đẩy mạnh công tác truyền thông, khai thác triệt để các kênh truyền thông, thông tin tuyên truyền để quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố tạo hiệu ứng lan rộng trong và ngoài nước...

Đạm Quang Lê