Rồi ngay tối hôm đó, Vinh đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt. Cách đó hơn 20 ngày, tháng 5 /1979, tôi bị phục kích và bị thương... Số phận của sợi dây chuyền ấy ra sao là cả một câu chuyện dài trong suốt chặng đường 30 năm qua - bây giờ mới kể.
Sau khi vết thương đã lành, tôi được chuyển về viên quân y Sư đoàn đóng ở sân bay pôchentong - Campuchia. Ngoài ba bữa cơm trong ngày, thì chẳng biết làm gì. Ở đó còn sót lại mỗi mình tôi là thương binh, thuộc dạng không nhẹ cũng không nặng, coi như mình đang được ăn dưỡng tại chỗ. Đang buồn chán, may quá gặp được anh Tâm "cua" ở khẩu đội cối 120 mm, lính Hà Nội, nhập ngũ tháng 2 - 1974. Anh Tâm bị sốt rét phải vào nằm viện, vậy là hai anh em tha hồ hàn huyên đủ chuyện.
Thỉnh thoảng tôi và anh Tâm “cua” lại rủ nhau vào Phnompenh chơi, bây giờ dân họ về cũng khá đông đúc, các cửa hàng vàng, bạc xuất hiện nhiều. Trong lúc tiền chưa có để mua, chủ yếu họ trao đổi với nhau bằng những thứ đồ trang sức quý như: vòng kiềng, nhẫn, dây chuyền… đều được tính mỗi 1 chỉ thì lấy công 1 lai. Tôi, anh Tâm và cả thằng Doanh, lính 78 cùng vào xem họ làm vàng. Chao ôi! Vàng nhiều thật, cứ để từng vốc, từng đống trên bàn khò. Thấy hay hay, tôi liền bỏ sợi dây chuyền của Lê Ngọc Vinh ra khò lại cho mới. Lúc đó, trên người tôi dắt khẩu súng côn 45 li của Mỹ, súng thì to, người lại gầy gò, nên khẩu côn cứ chực rơi mấy lần.
Mải xem họ khò vàng, súng tụt vào bụng rơi đánh chát xuống nền nhà, khiến thợ khò vàng sợ xanh mắt, đưa vội sợi dây chuyền vừa mới khò xong cho tôi và xua tay liến thoắng: “mời com tóp Việt Nam” (mời bộ đội Việt Nam) đi nhanh cho, mình không lấy tiền công đâu. Rời khỏi cửa hàng vàng bạc, cả ba anh em chúng tôi cứ vừa đi vừa cười mãi. Bỗng nhiên anh Tâm hỏi tôi: - Súng ở đâu ra mà bây giờ anh mới thấy!
- À hôm trước bọn thằng Đồng, thằng Phúc ở tiểu đoàn 5 nó qua chỗ em và khoe khẩu súng, thế là em nảy ra ý tưởng “quân tử phòng thân” mượn luôn khẩu súng côn này, chứ nằm đây chẳng có chút vũ khí bên mình sợ bỏ mẹ!
- Cho anh bắn thử phát xem súng Mỹ thế nào, tôi đồng ý đưa súng cho anh và không quên dặn dò: - Súng côn nặng lắm đấy, anh phải cầm hai tay mà bắn. Rồi tôi vội bịt tai thật chặt: - Đoàng! Mặc dù đã có chủ động, nhưng tôi vẫn bị giật mình đánh thót. Và ngạc nhiên khi quay lại thì chả thấy khẩu súng trên tay anh Tâm nữa, nó văng đi đâu mất - khiếp thật, súng ngắn mà nó giật mạnh hơn cả AK báng gấp
Anh Tâm thốt lên: - Chuyện cái nòng của nó 45 ly, đút vừa cả ngón tay cái mà lỵ - tôi ra vẻ thông thạo như một huấn luyện viên kĩ thuật bắn súng, nhưng thực ra đã được bắn phát nào đâu. Về tới quân y viện Sư đoàn , tôi hơi ngạc nhiên thấy mấy ông Bác sỹ, y tá cứ nhìn vào tôi chằm chằm, không hiểu tại sao?. Đến sáng hôm sau, cậu liên lạc tiểu đoàn quân y của Sư đoàn xuống gọi tôi: - Anh Tuấn! Lên gặp ngay anh Dung chính trị viên tiểu đoàn có việc gấp. Tôi nghĩ bụng “chắc là cho mình về đơn vị đây!” rồi quay sang bảo cậu Liên lạc “Ừ lát ăn sáng rồi anh lên”. Cậu ta buông giọng gắt gỏng:
- Không được! Các thủ trưởng kêu anh "phải" lên ngay. Tôi thấy hơi lạ nhưng vẫn vui vẻ lên tiểu đoàn xem có chuyện gì xảy ra, hay đơn vị cấp giấy khen cho mình chăng? (hồi đó sau mỗi trận, mỗi chiến dịch tôi đều được cấp trên khen thưởng).
Vừa lên đến tiểu đoàn bộ, tôi thấy có đầy đủ các thành phần, ban bệ: từ Chính trị viên tiểu đoàn, Bác sỹ tiểu đoàn trưởng, đến Quân lực và có cả hai vệ binh của tiểu đoàn đứng đó như sẵn sàng chờ lệnh. Chà chà, long trọng phết! tôi nghĩ bụng. Ngay sau đó, ông Dung, Chính trị viên tiểu đoàn yêu cầu tôi cởi ngay chiếc áo đang mặc. Lúc này tôi không còn giữ được bình tĩnh, cười giễu cợt và bảo Chính trị viên “Có phải anh muốn kiểm tra lại vết thương xem đã lành chưa phải không!”.
Ông Dung không nói, không rằng, chỉ hơi gật đầu vẻ dò xét. Tôi liền làm theo ý cấp trên. Áo vừa cởi xong thì cùng lúc cả hai ông, Chính trị viên và Bác Sỹ tiểu đoàn Trưởng đều đồng thanh chỉ vào ngực tôi thái độ vẻ tra hỏi: - Cái dây chuyền vàng kia anh lấy ở đâu ra?. Thôi chết bỏ mẹ, hôm qua sau khi ở hiệu khò vàng về, mình quên không cất nó đi. Vả lại, hồi ở viện Quân khu 9 thấy tôi đeo, có ai nói gì đâu? Thôi hỏng rồi, tại tôi khò cho nó mới đây!
Tôi ngớ người ra một lúc, rồi trả lời: “Đó là sợi dây chuyền của tôi từ bao lâu nay”. Tôi viện lý do có người làm chứng, hôm qua tôi với anh Tâm “cua” đi chơi có nhờ cửa hàng vàng bạc khò lại cho mới. Nhưng mấy ông cấp trên vẫn không tin, không nghe, và không cả đối chất với tôi nữa. Họ nói rằng: chắc đồng chí không quên 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân của quân đội ta, trong đó “Không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân” chứ?. Và họ kết tội luôn: “Hôm qua nhìn thấy cậu đeo trên cố, bây giờ chúng tôi lập biên bản tịch thu sợi dây chuyền bằng vàng này”:
- Không được! Các anh không thể vô lý thế được! Rồi tôi bắt đầu khùng lên: - Các anh không có quyền, đây là kỷ vật thiêng liêng của người đã khuất, không ai có thể lấy ra khỏi cổ tôi được; nếu cố tình. Thấy tình hình căng thẳng, ông chính trị viên quát vệ binh trói tôi lại, và coi tôi như là một tên tội phạm. Đến nước này, tôi không còn giữ nổi bình tĩnh, khi hình ảnh Liệt sỹ Lê Ngọc Vinh cứ như đang hiện ra trước mắt tôi: - Nếu các ông muốn tịch thu sợi dây chuyền này, thì hãy bước qua xác tôi mà lấy, tôi quyết không tha mạng sống cho các ông đâu. Nói rồi tôi ưỡn ngực ra thách thức.
Thấy tôi không có vẻ sợ hãi, ông Dung chính chị viên dịu giọng, thôi cậu cứ bình tĩnh, đây là nhiệm vụ chúng tôi phải làm, chúng tôi tạm thời lập biên bản đàng hoàng, sau này xác minh rõ là của cậu, chúng tôi sẽ trả lại thôi mà.
Nhưng nói gì thì nói, không đưa cho họ cũng không xong, ai chứng minh cho tôi cái dây chuyền này, ngoài thằng Vinh, chủ nhân của nó thì chết rồi! Nghĩ một lúc, tôi đồng ý cho lập biên bản và bắt viết theo ý tôi: “đây là sợi dây chuyền, năm ngoái mẹ tôi vào thăm ở suối "Đà Ha" đã trao cho tôi, có mấy anh cùng tiểu đội chứng kiến”.
Tôi đọc tên mấy ông đã hy sinh, trong đó có Lê Ngọc Vinh, rồi cho ghi vào biên bản. Trong đó có cả lời cam kết: trong thời hạn 15 ngày xem xét, phải hoàn trả lại cho tôi. Họ đồng ý và tôi đề nghị hai ông thủ trưởng tiểu đoàn và hai cậu vệ binh ký vào biên bản làm chứng. Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc mãi không thể nào ngủ được, miệng thì lẩm bẩm khấn vái vong linh Liệt sỹ Lê Ngọc Vinh, trong đầu lại nghĩ bao nhiêu phương án để quyết tâm lấy lại bằng được sợi dây chuyền.
Không lẽ mình không giữ được lời hứa với Vinh! Vinh ơi mày sống khôn thác thiêng hãy chứng giám và thông cảm cho tao mày nhé, nếu tao không đòi được kỷ vật mày trao thì tao sẽ ân hận suốt đời… Sự việc đó xảy ra được mấy hôm, đột nhiên có lệnh của trên, tất cả thương bệnh binh quân y viện được ra Bắc và bay vào buổi sáng sớm, tối hôm đó chúng tôi đã có mặt tại Đại Từ - Thái Nguyên và tập kết ở nhờ nhà dân, mới được 3 hôm chưa kịp ổn định nơi ăn chốn ở thì tôi có giấy ra viện: "Đa vết thương toàn thân" về đơn vị tiếp tục công tác.
Cầm giấy ra viện lập tức tôi tìm gặp anh Dung chính trị viên tiểu đoàn để đòi lại sợi dây chuyền hôm trước, nhưng chính trị viên không trả mà nói với tôi bằng giọng thân mật: “đơn vị vừa ra được mấy ngày chưa ổn định nơi ăn chốn ở, cậu cứ về đơn vị đi rồi giải quyết sau”. Tôi rất bực và buông một câu "Được, tuần sau tôi lên và anh nhớ phải trả sợi dây chuyền đấy, anh nên nhớ từ Trung đoàn tới đây chỉ có 10 cây số thôi, tôi không ngại đâu".
Không ba lô, không gì cả, có mỗi bộ quần áo mặc trên người. Ra thị trấn Đại từ bắt xe xuôi về Hà Nội. Không còn xu nào trong túi, tôi chìa cái giấy ra viện rồi xin đi nhờ! Mãi đến tối mịt mới về tới nhà. Thôi thì cả khu tập thế biết tin tôi bị thương từ chiến trường trở về, không ai bảo ai, mọi người kéo đến rất đông để chúc mừng, không khí thật vui vẻ và cảm động…
Việc đầu tiên tôi nói với mẹ về chiếc dây chuyền, nhờ mẹ đến cơ quan xin cái giấy chứng nhận là. “Mẹ có vào trong Nam thăm con và cho cái dây chuyền bằng vàng này”. Tôi nhắc mẹ: con chỉ về được hai hôm, ngày kia phải lên đơn vị rồi.
Sáng hôm sau xin mẹ mấy đồng, tức tốc đến trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, ở Cầu Giấy để thăm cô bạn gái tên là Thủy. Đến trường hỏi thăm mãi mới tới được chỗ Thủy, nhưng phải chờ tận 11giờ tan trường mới được gặp! Ui cả phòng 6 cô bạn của Thủy vây lấy tôi bắt kể chuyện chiến trường, ai cũng kêu tôi còi dí thế này mà ghê thật không sợ chết à. Tôi cảm thấy ngượng… và chỉ biết cười trừ, hóa ra mỗi lần thư của tôi từ trong Nam gửi về, Thủy đều đọc chung cho cả phòng nghe, vậy là tự nhiên tôi như là bạn chung của cả phòng ở ký túc xá.
Tạm biệt Hà Nội lên đơn vị, giấy chứng nhận mẹ xin đã có, không việc gì phải vội, về đơn vị đã, tìm được nơi đơn vị đóng quân cũng vừa tối. Sau mấy tháng nằm viện anh em tiểu đội lại được bên nhau tay bắt mặt mừng, tối thì tối, ông Vòng, ông Sáng cũng đi bắt mấy con vịt về chiêu đãi tôi, anh em hàn huyên cả đêm hôm đó.
Sáng hôm sau dậy sớm, tôi lên ngay Trung đoàn bộ, tìm gặp anh Thắng "con", thân với tôi bên tác chiến, gặp anh tôi trình bày về chuyện chiếc dây chuyền - Anh bảo: mày đợi anh một lát… rồi anh vào gọi điện chả biết nói gì, nhưng lúc quay ra anh Thắng giục tôi: mày ra đường vẫy xe lên ngay D24 quân y mà lấy về. Mừng quá chả kịp chào, tôi chạy ngay ra đường nhờ được xe về Đại Từ.
Đến nơi cũng tầm 11 giờ trưa. Vào nhà không thấy ai, ở nhà dân mà vắng hoe, bao súng và khẩu k54 cùng túi dết vẫn vứt chỏng chơ ở giường. “Chết thật, các bố chủ quan để bừa quá! Ông mà giấu đi khẩu K54 cho chừa hẳn bây giờ” - nghĩ vậy thôi, tôi lặng lẽ ngồi hút thuốc chờ. Đến hơn 12 giờ ông ấy về. Nhìn thấy tôi, chính trị viên vẻ vồn vã reo lên: “Cậu đây rồi, tôi đến khổ vì cái dây chuyền của ông đấy!” - tôi chỉ cười không nói gì .
- Đây ông ký nhận đi - tôi trả lại ông nhé !
- Vâng cảm ơn anh ạ! Ký và nhận lại chiếc dây chuyền, tôi giơ lên ngắm nghía, rồi đàng hoàng đeo vào cổ, lễ phép: - Cảm ơn thủ trưởng em về ạ! Thế là tôi tếch luôn, cũng chả cần xuất trình cái giấy chứng nhận của mẹ ra làm gì nữa. Vinh ơi..! Tao lấy được cho mày rồi !
Lấy được rồi đây này, cảm ơn mày đã phù hộ. Tôi vừa gọi bạn vừa khóc nức nở như một đứa trẻ, rồi tự nhiên cảm thấy mình ân hận: “nhiều khi chết vì cái tội khoe khoang!” Vừa ổn định nơi ăn ở, đơn bị mới ra Bắc, vẫn còn ở tạm nhà dân, được hơn nửa tháng thì Sư đoàn tổ chức khám thương tật tại Trung đoàn, với giấy ra viện ghi: "Đa vết thương toàn thân" tai trái giảm thính lực.
Vào phòng khám có hai Bác sỹ, một trên Sư đoàn, còn một là anh Thống Bác sỹ đại đội trưởng C24 trực thuộc Trung đoàn quá quen với tôi, anh em phấn khởi chào hỏi bắt tay nhau: - Cậu cởi hết quần áo ra - Bác sỹ Sư đoàn yêu cầu - sao phải cởi ạ! Tôi lại ngạc nhiên.
- Thì đa vết thương toàn thân phải cởi hết cho chúng tôi khám chứ sao! Cởi cả quần đùi cởi hết. - ngượng gì có mấy thằng đàn ông với nhau…
- Ngượng chứ lần đầu tiên thế này.
- Cậu đi lại tôi xem - cái dây chuyền đẹp nhỉ?
Ông Bác sỹ cười nói - chết quên không cất cái dây chuyền khéo lại dở rồi, tôi nghĩ bụng. Vết thương thì rõ rồi, còn cái tai... Sau khi soi khám ông Bác sỹ kết luận: “tai cậu thủng màng nhĩ từ nhà”. Tôi trợn tròn mắt...! Ơ bị từ nhà thì ai cho em đi lính hả anh, có anh Thống biết em bị nó phục bắn B40, B41 vào xe nên mới bị thế. Ông bác sỹ cầm cái bút chì ngõ gõ xuống bàn mắt liếc vào cổ tôi. Cậu mặc quần áo đi, xong rồi tôi thấy ông ấy ghi vào góc tờ giám định: 33% (kiểm tra xác minh tai thủng). Tôi phấn khởi chào mọi người và bước ra khỏi phòng khám. Đến tháng 6/1982 tôi được ra quân.
Về nhà việc đầu tiên là giấu biến cái dây chuyền vào một chỗ thật kín, không cho ai biết để tránh rắc rối. Rồi cuộc sống mưu sinh, phải bươn trải trong những thời điểm vô cũng khó khăn thiếu thốn, nhất là khi lấy vợ nhẫn cưới không có, nhớ tới cái dây chuyền bằng vàng, tôi tặc lưỡi định lấy ra kéo thành đôi nhẫn cưới, sau này làm ăn khá giả sẽ mua cái khác trả lại, chắc ở dưới suối vàng, thằng bạn Lê Ngọc Vinh cũng bằng lòng giúp đỡ. Nhưng nghĩ lại chẳng lẽ mình không giữ lời hứa với bạn. Chẳng lẽ có lúc phải sinh tử để giữ trọn niềm tin với bạn bè, đồng chí, đồng đội…
Tôi tìm gặp anh Tâm “cua" ở phố Yên Phụ để hỏi thăm địa chỉ gia đình Lê Ngọc Vinh ở đâu. Rất may, qua anh Tâm tôi đã liên lạc, được với gia đình Liệt sỹ Lê Ngọc Vinh. Đúng ngày giỗ của Vinh, mấy anh em chúng tôi: Tâm “cua”, Nghĩa “già”, Phúc, Tuấn… đến thắp hương cho Vinh và trao lại cho gia đình kỷ vật chiến trường - sợi dây chuyền mang bóng hình người bạn Lê ngọc Vinh luôn ở bên tôi. Gia đình cảm động lắm, không ai nghĩ tôi đã giữ cái dây chuyền này trong suốt 30 năm ròng, để có ngày hôm nay trao lại cho gia đình./.