
Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại tại Australia, sau 11 tháng, xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đã tăng trưởng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức xuất khẩu trung bình chung của cả nước là 14,4%. Nhiều mặt hàng tăng mạnh như máy móc-thiết bị tăng 108,3%, nông sản rau quả tăng hơn 27%, thủy sản tăng hơn 10%, dệt may tăng 21,5%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 45%, dây cáp điện tăng 58,8%, gạo tăng 18,75%, hạt tiêu tăng 48%, càphê tăng 58,4 %...
Australia dần trở thành nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho nền sản xuất lớn mạnh của Việt Nam, với khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu là nguyên, nhiên liệu vật tư đầu vào. Việt Nam xuất sang Australia sản phẩm đa dạng như máy móc thiết bị, phương tiện và phụ tùng vận tải, dệt may, giày da, nông-thủy sản, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Phú Hòa chia sẻ Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia không chỉ tập trung vào công tác xuất nhập khẩu mà đang chủ động góp phần phục vụ các nhiệm vụ trong giai đoạn quan trọng của đất nước như nghiên cứu, đề xuất hợp tác công nghiệp bán dẫn, kinh tế số, trung tâm tài chính, chuỗi cung ứng khoáng sản, năng lượng, thúc đẩy đầu tư hạ tầng; hợp tác kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để hướng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh gắn kết hai nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, thời gian qua, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tiến hành phân tích, đề ra kế hoạch hành động phát triển xuất khẩu dựa trên thúc đẩy chuỗi cung ứng, đồng thời nhất quán xây dựng thương hiệu “xuất xứ xanh," tạo tâm lý tiêu dùng tích cực.
Theo Tham tán Nguyễn Phú Hòa, Việt Nam và Australia đều quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó nhiều dự án đang được Thương vụ kết nối. Về hướng hợp tác lớn, ông cho rằng việc thúc đẩy hợp tác chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu xanh sẽ mang lại ý nghĩa lâu dài. Ví dụ, gần đây Cơ quan Thương vụ đẩy mạnh quảng bá vải và sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường tại Australia cũng như các sản phẩm của nông nghiệp tuần hoàn.
Tham tán Nguyễn Phú Hòa vui mừng cho biết, trong những ngày cuối năm, khi vận động các nhà hàng Việt dùng chuỗi nguyên liệu từ Việt Nam, cầm trong tay chén đĩa Bát Tràng ở hệ thống nhà hàng An Việt, bà con kiều bào không khỏi tự hào. Ông kỳ vọng đề án công nghiệp văn hóa sẽ cung cấp được “bộ nhận diện văn hóa dân tộc” để có thể quảng bá hình ảnh quốc gia trước, sau đó quảng bá sản vật.

Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường trái cây Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Cùng đó là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng xuất khẩu sang Australia.
Về các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu nông sản, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các thông tin về thị trường, tình hình thương mại đầu tư, đánh giá tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Australia đối với các mặt hàng nông lâm, thuỷ sản. Ngoài ra, cũng cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định mới của Australia đối với các loại nông sản nhập khẩu. Đồng thời hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp những giải pháp để tiếp cận thị trường cũng như những lưu ý để doanh nghiệp phòng tránh tình trạng gian lận thương mại khi hoạt động kinh doanh tại Australia./.