Phát biểu tại tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới đều cho rằng chuyển đổi số là xu hướng không thể thay đổi. Trong đó, đặc thù của báo chí là cung cấp thông tin chất lượng, hiệu quả thì càng phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Việc chuyển đổi số sẽ thay đổi hiệu quả, toàn diện các cơ quan báo chí.
Đặc biệt, TP.HCM từng có giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách kéo dài nhất trong lịch sử khiến việc tác nghiệp báo chí gặp trở ngại, cơ quan báo chí gặp khó khăn. Tuy vậy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định khó khăn là thời cơ để các cơ quan báo chí nắm bắt công nghệ bứt phá. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí và phóng viên đã nhận rõ được vai trò của công nghệ và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Theo ông Dương Anh Đức, việc chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin chung chung mà phải thay đổi quy trình làm việc, thay đổi tư duy, cách làm việc để thích ứng với thời đại mới. Khi đã ý thức rõ được những điều này, cơ quan báo chí sẽ quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
“Thời đại chúng ta là thời đại thông tin. Mỗi giây có hàng triệu thông tin phát ra. Một tờ báo lên tin sớm một chút hay muộn một chút đã chênh lệch nhau hàng ngàn người đọc. Không chỉ vậy, báo chí chỉ cần sai một chữ cũng ảnh hưởng đến ý nghĩa bài báo. Do vậy trong giai đoạn này ảnh hưởng của báo chí ngày càng cao”, Phó Chủ tịch TP.HCM nói thêm.
Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí TP.HCM, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM nhận định, từ nhiều năm qua, các cơ quan báo chí ở TP.HCM tùy theo khả năng của từng đơn vị đã quan tâm đầu tư phát triển ấn bản điện tử có số lượng lớn bạn đọc truy cập.
Một số cơ quan báo chí đã xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ website, Facebook đến Tiktok, YouTube, giúp nhiều tờ báo lớn của TP.HCM tăng mạnh tính tương tác hai chiều với độc giả, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
Các nỗ lực chuyển đổi số nêu trên đã góp phần giúp các cơ quan báo chí TP.HCM dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh và trung thực, khách quan, không bị gián đoạn. Tuy vậy, ông Dũng đánh giá những việc làm được nêu trên dù rất đáng ghi nhận song quả thực còn rất khiêm tốn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và khán thính giả. Tiến trình chuyển đổi số của cơ quan báo chí thành phố hiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết là về nhận thức và năng lực thực hiện. Một bộ phận không nhỏ những người làm báo vẫn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng phương cách làm báo hiện đại.
Một khó khăn lớn nữa là hầu hết cơ quan báo chí không đủ nguồn lực về nhân sự và tài chính để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đổi số triệt để, hiệu quả và toàn diện. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, câu chuyện khai thác kinh tế báo chí trên nền tảng số còn rất mới mẻ, các vấn đề an ninh mạng, nạn tin giả; vi phạm bản quyền… có chiều hướng phức tạp gia tăng.
Khó khăn đó dẫn đến tình trạng một số cơ quan báo chí ở TP.HCM phải tự chuyển mình theo hình thức “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Trong quá trình này, nhiều cơ quan báo chí còn gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện, lúng túng trong chọn mô hình phát triển nào là phù hợp, lúng túng trong xây dựng, vận hành và thử nghiệm quy trình. Dù còn nhiều khó khăn, ông Dũng thừa nhận chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhằm phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía, không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ, ngần ngại, thiếu quyết tâm.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các cơ quan thông tấn báo chí, mở ra khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi thông tin liên tục của thời đại, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy. Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến phóng viên; không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung mà thậm chí là toàn bộ hoạt động của một tòa soạn, kể cả hoạt động quản trị, kinh doanh… đều phải đi theo hướng chuyển đổi số mới gọi là quy trình chuyển đổi số thực sự.
Gợi mở thêm, ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề, trong 2 năm nay, người ta nói đến công nghệ Extended Reality (XR), còn gọi là thực tế ảo mở rộng, và mới nhất là Facebook giới thiệu tầm nhìn của Metaverse - vũ trụ ảo, nơi mọi người làm việc, vui chơi, học hỏi và kết nối với bạn bè, gia đình. Theo nhiều nghiên cứu, thế giới ảo này cũng như XR sẽ thành hiện thực trong 3-5 năm nữa.
“Khi thế giới phát triển theo hướng này, chúng ta sẽ không đọc báo, không xem tivi, không theo dõi nội dung số theo cách thức hiện nay; không sử dụng máy tính, không sử dụng điện thoại theo kiểu đang dùng... Với sự thay đổi mang tính đột phá ấy, chúng ta chưa định hình được là gì trong vòng 3-5 năm tới thì khá khó khăn cho các cơ quan báo chí”, ông Lê Quốc Minh dự báo./.