“Với thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo. Cùng với đó là lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ; nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu cả nước đang tiếp tục được đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động... Du lịch Thanh Hóa còn có thể tiến xa hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước” Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định.
Bài 1: Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng
Thanh Hóa là vùng đất có sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng đã tạo nên những bản sắc riêng, nổi trội. Đây là tiềm năng, thế mạnh to lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh.
Trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa đã tạo nên bước tiến nhảy vọt, những hoạt động tại khu du lịch như Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông, Pù Luông... luôn diễn ra sôi động, từ đó đưa du lịch xứ Thanh vươn lên đứng thứ 4 trong 9 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về doanh thu du lịch.
Sự đột phá về du lịch biển
Tại Thanh Hóa, các sản phẩm du lịch biển đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trở thành sản phẩm có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Tại các khu du lịch biển, hệ thống đường kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật khang trang, dịch vụ phong phú, qua đó đưa du lịch biển trở thành hạt nhân lan toả cho du lịch cả tỉnh.
Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm như: Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... cho đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn và việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, ấn tượng được tổ chức với quy mô lớn tại các khu du lịch biển, từ đó quảng bá, kích cầu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa còn tập trung đầu tư, khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới như Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố... (tại khu du lịch Sầm Sơn). Tổ chức các tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn… (tại thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (tại khu du lịch Hải Tiến).
Từ những hoạt động đầu tư khai thác du lịch nêu trên đã tạo nên sự đột phá của du lịch biển và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch tỉnh Thanh Hóa với các địa phương trong khu vực và cả nước. Năm 2022: Tổng lượt khách đến du lịch biển đạt 8.120.000 lượt khách, tăng gấp 5,11 lần so với năm 2021, chiếm 73,6% tổng lượt khách du lịch cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt: 15.870 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với năm 2021, chiếm 79,1% tổng thu du lịch cả tỉnh.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023: Tổng lượt khách đạt 6.045.000 lượt khách, tăng 13,2% so với năm 2022, chiếm 71,8% tổng lượt khách du lịch cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt: 12.526 tỷ đồng, tăng 18,9% với năm 2022, chiếm 82,1% tổng thu du lịch cả tỉnh.
Dấu ấn du lịch sinh thái và du lịch tâm linh
Ngoài thế mạnh về du lịch biển, những năm gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng tại Thanh Hóa ngày càng hình thành rõ nét, được du khách đón nhận và đánh giá cao. Từ đó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các huyện miền núi.
Du lịch sinh thái là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Hóa. Nên những điểm du lịch như Pù Luông (huyện Quan Hoá, huyện Bá Thước), bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Ngàm (huyện Quan Sơn), bản Bút (huyện Quan Hoá), Đồi Híc (huyện Ngọc Lặc)… ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn, thu hút du khách.
Khu du lịch sinh thái Pù Luông không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, những khu ruộng bậc thang uốn nét mềm mại hay những cánh rừng thăm thẳm, mà còn những điệu múa xòe hoa, thanh âm khua luống hay men say rượu cần...
Những năm gần đây, sự xuất hiện của những homestay tiện nghi, hiện đại mà vẫn gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đã đưa Pù Luông trở thành địa điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế. Nhiều năm nay, Pù Luông đã trở thành “điểm hẹn” của Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon), thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt vận động viên, du khách trong nước và quốc tế.
Cùng với sản phẩm du lịch biển và du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa); Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân)... Gắn với những câu chuyện lịch sử về một thời thịnh trị của dân tộc, cùng với các lễ hội truyền thống, quy mô lớn được tổ chức, đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Thanh đến với du khách gần xa.
Trong năm 2022, du lịch sinh thái cộng đồng tại Thanh Hóa đón 927.000 lượt khách, tăng 27% so với năm 2021, chiếm 8,4% tổng lượt khách du lịch cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt: 1.076 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2021, đạt 5,4% tổng thu du lịch cả tỉnh.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách 687.000, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2022, chiếm 8,2% tổng lượng khách du lịch cả tỉnh; tổng thu du lịch đạt: 960 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2022, chiếm 6,3% tổng lượng khách cả tỉnh.
Bên cạnh những giá trị đã đạt được, quá trình khai thác, vận hành du lịch ở Thanh Hóa cũng gặp không ít những khó khăn hạn chế do ảnh hưởng của tình hình chính trị - kinh tế thế giới, lạm phát và lãi suất ở nhiều nước tăng cao; giá cả leo thang, đặc biệt là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đầu tư, kinh doanh dịch vụ.
Hoạt động du lịch Thanh Hóa vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (đặc biệt là du lịch biển)..., gây khó khăn trong công tác thu hút các dự án đầu tư có quy mô, đẳng cấp, thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn về du lịch tiến độ thực hiện chậm, chưa đưa vào khai thác và vận hành, nên chưa thể tạo ra điểm đến và dịch vụ mới. Hạ tầng du lịch còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng tại các huyện miền núi, hạ tầng nội khu và hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch.
Một số địa phương chưa có định hướng phát triển du lịch rõ nét và phù hợp; chưa chú trọng gắn kết du lịch với sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương; chưa chủ động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hội nhập chưa cao; khả năng thích ứng với công nghệ số còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTT& DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Tuy nhiên, để triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân. Có như vậy Thanh Hóa mới có thể trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước trong tương lai”.
Bài 2: Sắc màu tạo sự đột phá cho du lịch biển Sầm Sơn