Theo kế hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh sẽ triển khai thực hiện khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu và xây dựng từ 20 - 40 mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản.
Mục tiêu của tỉnh là xây dựng mô hình sản xuất đa dạng trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tạo ra hàng hóa chất lượng, đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ kỹ thuật cho hơn đơn vị tập thể và 20 hộ nông dân thực hiện hơn 30ha mô hình trồng rau ăn lá, bí, bầu trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới, bón phân tự động.
Mô hình này được liên kết cung ứng sản phẩm với chuỗi siêu thị VinMart, Bách hoá xanh trên địa bàn tỉnh. Bình quân, sau 1 vụ trồng rau màu trong nhà lưới (khoảng 2 tháng), người trồng đạt lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng/1.000m2.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, năm 2021, tỉnh đã có gần 900ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, ứng dụng Semi Biofloc 02, 03 giai đoạn. Mô hình nuôi tôm này cho năng suất từ 30-50 tấn/ha, cao từ 4 - 5 lần so với phương thức nuôi thâm canh như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Phước, ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, người ứng dụng công nghệ Semi Biofloc 3 giai đoạn trong nuôi tôm cho biết, với diện tích 1.700m2, ông thả 425.000 con giống, tỷ lệ tôm sống đạt đến 95%. Sau hơn 70 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 65 con/kg, thu hoạch tổng sản lượng 8,8 tấn (năng suất 51,7 tấn/ha), gia đình thu lợi nhuận hơn 330 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh cho biết, trước đây nông dân chỉ nuôi tôm theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, qua nhiều vụ nuôi thường gặp rũi ro, bất lợi do môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Nhưng với mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao ứng dụng Semi Biofloc 02,03 giai đoạn, giúp ổn định môi trường nước, hạn chế dùng hoá chất trong quá trình nuôi cùng với kết hợp với sử dụng hầm biogas xử lý chất thải trong quá trình nuôi tôm làm giảm tối đa sự ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ, ngành nông nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang tập trung cho các hoạt động nghiên cứu và ứng vào lĩnh vực lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ để đạt hiệu quả kinh tế bền vững. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ được liên kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phẩm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác trong nước.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, như: chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất cao; sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm; mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; xây dựng mô hình trồng bưởi ruby xen ổi sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; xây dựng mô hình trồng dưa hấu theo hướng an toàn...
Tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đế năm 2025 đưa giá trị sản xuất đất nông nghiệp của tỉnh đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha/năm và đạt mức 160 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2025 đạt 30.000 tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 21 % vào mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh./.