Xây dựng mô hình gia trại chăn nuôi theo phương thức hàng hóa

Huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn huyện xây dựng các mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, đặc biệt là gia trại vừa và nhỏ theo hướng sản xuất hàng hóa. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư.
vna-potal-vinh-phuc-mo-hinh-chan-nuoi-vit-troi-thuong-pham-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-344329-1634452703.jpg
Xây dựng mô hình gia trại chăn nuôi theo phương thức hàng hóa

Ông Trần Quốc Chí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Dương cho biết, việc phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm chăn nuôi ở địa phương giờ đây đã đa dạng, phong phú hơn trước, sản lượng hàng hóa mỗi năm một tăng. Từ đó, góp phần đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng không chỉ ở Vĩnh Phúc mà các tỉnh, thành lân cận.

Nghề chăn nuôi đặc biệt là gia súc, gia cầm được coi là ngành nghề chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện. Các mô hình trang trại, gia trại ở Tam Dương phát triển nhiều ở các xã Thanh Vân, Kim Long, Hoàng Hoa, Hoàng Lâu…vì ở đây có quỹ đất đồi, bãi, vùng hoang hóa còn  rộng.

Phần lớn các khu chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung ở Tam Dương bước đầu được áp dụng khoa học kỹ thuật, phương thức chăn nuôi tiến bộ hơn cách bà con làm truyền thống trước đây. Việc vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cũng được quan tâm hơn, các hộ đã thực hiện chăm sóc và bảo vệ vật nuôi theo định kỳ, có sự tư vấn, giám sát của đội ngũ cán bộ, nhân viên giàu kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm và chủ yếu là người địa phương.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm  2021 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Dương, tình hình dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm vật nuôi của huyện nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn đạt 4.168.930 con; trong đó, đàn gia cầm đạt 4.060.000 con, so với cùng kỳ năm trước  tăng 9,8%; đàn lợn của huyện có 95.000 con, so với cùng kỳ giảm 18%.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhất là sau khi dịch COVID-19 đang được đẩy lùi, nhu cầu thịt, trứng các loại vật nuôi tăng cao, sản xuất chăn nuôi có lãi, phần lớn các cơ sở chăn nuôi, các gia trại ở Tam Dương đang mở rộng sản xuất. Đây là một tín hiệu lạc quan đối với người chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn huyện Tam Dương.

Tính đến tháng 10/2016, huyện Tam Dương có 1.734 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến tháng 9/2021, huyện có tới 1.900 gia trại và nhiều trang trại quy mô lớn. Quy mô gia trại nuôi lợn ở huyện phổ biến từ 30-100 con và đối với gà từ 1.000-5.000 con/gia trại.

Không ít trang trại chăn nuôi ở Tam Dương thu lãi hàng tỷ mỗi năm từ nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gà thịt, gà đẻ trứng...Cả trăm gia trại chăn nuôi ở Tam Dương có đầu tư toàn diện cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mức lãi từ 500-700 triệu đồng/năm/trang trại.

Điển hình trong mô hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện là gia đình ông B.K.N. ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long, thường duy trì nuôi hơn 100 con lợn, hơn 6.000 gà thương phẩm và gà giống, mỗi năm, doanh thu của gia đình ông N. đạt trên 2,4 tỷ đồng.

Anh Phạm Ngọc Bảo ở thôn Vỏ, xã Hoàng Lâu chuyên về nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Hiện, anh Bảo nuôi 16.000 con gà trong chuồng trại được bố trí hệ thống thông gió, làm mát, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống; trong đó, có 8.000 gà hậu bị như gà nuôi để sau chọn làm sinh sản và 8.000 con đang đẻ, mỗi ngày cho từ 6.400-6.500 quả trứng với giá bán phổ biến từ 2.200-2.500 đồng/quả. Nhờ chăn nuôi gà chuyên đẻ trứng, mỗi năm gia đình anh Bảo thu lãi từ 500-600 triệu đồng.

Để nông dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, huyện Tam Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được vay vốn ưu đãi. Đồng thời, người nông dân được tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở Tam Dương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thông qua những mô hình kinh tế trang trại, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Các trang, gia trại ở Tam Dương còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng.  

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 11,7 triệu con gia cầm; trong đó, riêng đàn gà chiếm tới 90% và chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu ở các huyện như Tam Dương, Tam Đảo…Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc hiện có đàn lợn 407.000 con chưa tính đàn lợn con, lợn sữa.

Để chăn nuôi phát triển và ổn định, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện hiệu quả phòng, chống đói, rét, dịch bệnh, vệ sinh môi trường cho vật nuôi.

Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt II vào các tháng cuối năm 2021.

Vĩnh Phúc còn yêu cầu các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ phương tiện, tiểu thương tổ chức thu mua các sản phẩm vật nuôi để mang đi Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ dễ dàng; đồng thời, thường xuyên vận động người dân sản xuất đảm bảo an toàn, các sản phẩm thịt, trứng...luôn phải đảm bảo chất lượng để phục vụ người tiêu dùng lâu dài.