Đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh Long An đã đạt được những thành quả quan trọng. Sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2,7 triệu tấn, các sản phẩm nông sản khác cũng phát triển khá và trở thành những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như thanh long, chanh, thủy sản,… đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh bước vào giai đoạn sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Một trong những yếu tố quan trọng đem lại thành quả trên là việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
3-1-1636594865.jpg
Đồng bộ cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo tại Hợp tác xã Hương Trang, huyện Mộc Hóa là một trong 4 mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tại đây, việc áp dụng cơ giới hóa  được thực hiện đồng bộ từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch, áp dụng quy trình 1P5G (1 phải 5 giảm). Đặc biệt, trong vụ Đông Xuân vừa qua, Hợp tác xã Hương Trang sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 300 ha, chiếm khoảng 50% diện tích canh tác và thí điểm sử dụng máy bay không người lái để phun sạ giống. 

Ông Trần Văn Sữa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hương Trang cho biết, việc sử dụng máy bay không người lái phun sạ giống giúp tiết kiệm thời gian, công sức của nông dân và giảm lượng giống sử dụng xuống chỉ còn khoảng 50kg/ha. Đối với việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, tổng thời gian pha và phun xịt thuốc chỉ khoảng 30 phút/ha; lượng thuốc sử dụng giảm khoảng 20% so với phương pháp thủ công.

Các hoạt động ứng dụng cơ giới hóa tại Hợp tác xã Hương Trang được các thành viên đánh giá cao về những lợi ích mang lại, giúp giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận. Ước tính, chi phí sản xuất bình quân giảm trên 1 triệu đồng/ha, năng suất đạt 9,3-10 tấn/ha; lợi nhuận đạt khoảng 35 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài 4 triệu đồng/ha. Từ đó, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, gắn kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phẩm trong cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị bền vững.

Tại Long An, việc trồng lúa từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch đều được ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa. Trong số đó, khâu làm đất cơ giới hóa 100%; khâu gieo cấy cơ giới hóa đạt 90%; khâu thu hoạch đạt 100%... Việc sử dụng máy móc trong sản xuất từ năm 2016 đến nay luôn tăng cao, đơn cử như máy kéo làm đất tăng từ gần 5.300 máy lên trên 6.100 máy; máy gặt đập liên hợp tăng từ 837 máy lên gần 1.200 máy; máy cuộn rơm tăng từ 407 máy lên 934 máy,....

Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại quy mô lớn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy móc thay thế con người góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả. Tại các trang trại nuôi lợn trên địa bàn phần lớn trang bị các hệ thống phun sương làm mát, núm uống nước và máng ăn tự động để tiết kiệm nước, thức ăn và đảm bảo vệ sinh. Trang trại chăn nuôi bò sử dụng máy móc từ khâu cắt cỏ, băm cỏ, trộn thức ăn, vắt sữa…

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trong những năm qua, tỉnh đã rhực hiện các chính sách về hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Từ đó, thúc đẩy cơ giới hóa của tỉnh phát triển nhanh, giải quyết được khó khăn nhất là khâu thu hoạch, sấy khô hạt trong sản xuất lúa, băm cỏ trong chăn nuôi, tưới tiết kiệm nước trong các loại cây trồng khác,…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thiện, ngoài cây lúa thì mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi khác còn thấp; năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, giá thành còn cao, hiệu quả sản xuất hạn chế và thiếu tính ổn định, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin về các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cơ giới hóa cho nông dân chưa kịp thời và đầy đủ; năng lực chế tạo của các cơ sở cơ khí trên địa bàn còn thấp, năng lực hạn chế, giá thành cao…

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Long An tiếp tục đầu tư để tiến tới cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư trang bị ở các khâu sau thu hoạch và chế biến bảo quản, các khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng thời, ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngành tập trung đào tạo chuyên sâu, tập huấn diện rộng cho cán bộ kỹ thuật, các hộ gia đình, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp về vai trò, tác dụng cơ giới hóa nông nghiệp, kỹ năng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh, 2.000ha rau, 100ha tôm nước lợ và đàn bò thịt có khoảng 300 con bò cái sinh sản được cải tạo, 20.000 con bò gieo tinh nhân tạo với các giống chất lượng cao như Brahman, Droughmaster, Angus…

Trong chương trình này, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống, kinh phí trong ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa cho người dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, GAHP….

Đối với ứng dụng cơ giới hóa trong trồng trọt, Long An sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã 50% chi phí thuê hoặc 40% chi phí mua máy móc, thiết bị; hỗ trợ 50% chi phí cho hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi đổi mới trang thiết bị, dụng cụ hiện đại trong chăn nuôi bò thịt góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường./.