Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đem về 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu tăng mạnh cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Phân tích kỹ hơn về xuất khẩu trái cây trong 7 tháng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại là châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông.
Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.
Hiện nay, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu quả có múi (bưởi), dược liệu và trái sầu riêng đông lạnh.
Năm 2023 vừa qua, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đạt hơn 5,6 tỷ USD và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, dự kiến năm nay xuất khẩu rau củ quả sẽ đạt trên 6 tỷ USD.
Vùng ĐBSCL là nơi xuất khẩu nông sản lớn của cả nước. Hiện vùng đang đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa và nhiều loại cây ăn trái khác đã xuất sang thị trường Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL khoảng 370.000 ha với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, được quy hoạch thành vùng chuyên canh, gắn kết người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp trong tiêu thụ, xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá, vùng ĐBSCL vựa trái cây của cả nước vẫn chưa phát huy được lợi thế, khi diện tích canh tác vẫn manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chưa chặt chẽ nên khó có thể tạo dựng thương hiệu bền vững.
Hiện trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 thị trường và vùng lãnh thổ. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để những lô hàng xuất khẩu vào các thị trường thì người dân, doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu của từng thị trường để lô hàng xuất khẩu thuận tiện.
Trong đó, từng thị trường nhập khẩu đưa ra các quy định riêng từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm dịch thực phẩm trong lô hàng xuất khẩu. Vì vậy khi xuất khẩu doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ quy định.
“Yêu cầu nhập khẩu trái cây từ các quốc gia cần phải phân ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chỉ yêu cầu cơ bản, trái cây không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Còn nhóm thứ hai yêu cầu khó hơn, thuộc nhóm thị trường các nước khó tính hay những nước có yêu cầu chất lượng cao như thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… những thị trường đó lại có yêu cầu kiểm dịch thực vật”, bà Hiền nêu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau.
"Để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, nhất là các thị trường khó tính, các doanh nghiệp cần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp cần tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch và sơ chế. Song song với đó, phải xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp cần áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả," ông Hòa khuyến nghị./.