Xây dựng đội ngũ doanh nhân theo tâm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

a2-1698805864.jpg
Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, Người xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm và việc phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân để kiến thiết đất nước. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân.
Trong Tuần lễ Vàng, các nhà công thương Hà Nội là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Một tháng sau, ngày 13/10/1945, Người viết thư động viên giới doanh nghiệp và doanh nhân tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”. Khẳng định vị trí của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước, Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng”. Trong thư, Người cũng đã xác định vai trò của giới doanh nhân là “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Về mối quan hệ giữa giới doanh nhân với đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân: “Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.

a3-1698806153.jpg
Bác Hồ về thăm Xưởng May 10 năm 1959. (Ảnh tư liệu)

Bức tâm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương cách đây 78 năm được coi như Tuyên ngôn về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam. Thực hiện tâm thư của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo “Sách trắng Doanh nghiệp năm 2022” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc…

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận một thực tế là, hiện đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, chưa đúng như kỳ vọng trong tâm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 78 năm. Trong tâm thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đội ngũ doanh nhân là “việc nước việc nhà phải đi đôi với nhau”. Đây là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận doanh nhân chưa tuân thủ đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội; chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động.

a1-1698806205.jpg
Cuốn sách “Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam” gồm 74 bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước đến năm 1969 liên quan đến sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Dành sự quan tâm đặc biệt cho doanh nghiệp, doanh nhân nên ngoài tâm thư ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có rất nhiều bài nói, bài viết liên quan đến đội ngũ này. Năm 2008, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp cùng Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tập hợp các bài viết, bài nói của Người, xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam”. Trong cuốn sách này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn để xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vững mạnh.

Người căn dặn, các doanh nhân phải đoàn kết (đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ công nhân và đồng bào địa phương); phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên… Bác dặn, sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Người yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước.

Những chỉ dẫn của Người vẫn đang có ý nghĩa thời sự việc xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh cả nước đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để nước ta trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, một trong những giải pháp được Đại hội XIII của Đảng xác định là: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành cách đây 12 năm. Nghị quyết số 41-NQ/TW định hướng cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nghiệp nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thi Thi