Ngày 14/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Lễ công bố báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR). Đây là một trong những báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo cấp quốc gia về khí hậu và phát triển do Nhóm Ngân hàng Thế giới soạn thảo. Báo cáo này phân tích các thách thức về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đồng thời, đưa ra khuyến nghị về các hành động chính sách cần được ưu tiên trong tương lai.
Trong Báo cáo của World Bank, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp phù hợp, có thể Việt Nam sẽ mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có khoảng một triệu người rơi vào tình trạng cùng cực vào năm 2030.
Đại diện World Bank tại Việt Nam cho biết từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Đáng chú ý là sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Tuy không đóng góp nhiều vào khí nhà kính toàn cầu với tỷ trọng chỉ 0,8% lượng phát thải của thế giới, nhưng chỉ trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.
Theo Báo cáo CCDR, trong giai đoạn 2000-2015, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD, thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp 4 lần. Trong đó, phát thải khí nhà kính của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.
Ngoài ra, với hơn 3.200 km bờ đường biển trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam vẫn đang là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn. Thực tế này đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Thiệt hại cũng có sự khác nhau giữa các vùng. Trong đó, ở miền Bắc, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm năng suất do căng thẳng nhiệt và giảm tuổi thọ sinh trưởng của cây trồng, với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng làm giảm sản lượng hàng năm. Trong khi đó, ở miền Trung, các khu vực và thành phố ven biển nguy cơ cao sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều lũ lụt do bão nhiệt đới. Còn ở miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn - khu vực nổi danh với “vựa lúa số 1 Việt Nam” sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao. Dự báo, gần một nửa vùng đồng bằng này sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75-100 cm (trên mức trung bình trong giai đoạn 1980-1999), qua đó sẽ đe dọa thiệt hại kinh tế do độ mặn gia tăng và không thể sản xuất một số loại cây trồng.
Báo cáo của World Bank đã chỉ rõ, Việt Nam đang ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên sự phát triển của đất nước và hiện đang phải trả lời những câu hỏi quan trọng về giải pháp ứng phó. Do đó, để giúp đất nước cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng, báo cáo đề xuất Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng đó là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon.
Nếu được thiết kế hiệu quả thì hai lộ trình này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn giúp thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng 5%/năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Theo đó, việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Cũng theo báo cáo, để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu của Việt Nam, 5 gói chính sách ưu tiên cần Chính phủ chú ý, cũng như cần có đầu tư công và đầu tư tư nhân kịp thời là: Một chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một chương trình đầu tư tăng khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và cơ sở hạ tầng kết nối; một chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có mục tiêu ở Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu giữa kỳ của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2030 và nâng cao năng suất lao động; tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng sạch; một khế ước xã hội mới để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Báo cáo CCDR đã đưa ra các giải pháp và phương án cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, hoàn thành cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo một “quá trình chuyển dịch công bằng” để hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với khí hậu.
Để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và tư nhân.