Rừng ngập mặn- giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và vai trò của địa phương

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần là do có đường bờ biển dài. Đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của gần 20 triệu người, đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Rừng ngập mặn - vũ khí của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Tại Hội thảo "Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển giải - Giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế", ngài Gareth Ward - Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đánh giá, rừng ngập mặn đặc biệt quan trọng đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

san-chim-vam-ho-1-1657206925.jpg
Rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân ở các xã ven biển.

"Rừng ngập mặn tiết kiệm chi phí gấp 5 lần so với cơ sở hạ tầng nhân tạo trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi sóng thần và nước dâng do bão, vì chúng giảm độ cao của sóng lên đến 60% và giảm độ sâu lũ sóng thần xuống 30%", ông Ward nói, đồng thời nhấn mạnh "Chính phủ Vương quốc Anh đã xác định biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong quan hệ với Việt Nam".

Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí cacbonic tốt nhất. Chúng có thể hấp thụ lượng carbon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền.

Ngoài ra, rừng ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, là yếu tố đóng góp chính cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên như lọc nước, ổn định bờ biển, vật liệu xây dựng và như một nguồn năng lượng.

Đại sứ Gareth Ward cho rằng Việt Nam có rừng ngập mặn như một vũ khí bí mật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, "Chúng tôi không có những thứ đó ở Vương quốc Anh, và tôi mong được đến thăm một khu rừng ngập mặn ở Việt Nam trong một ngày không xa".

Sinh kế rừng ngập mặn và vai trò của địa phương

Song song với việc tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, rừng ngập mặn còn tạo ra sinh kế và thu nhập ngắn hạn và trung hạn cho cộng đồng địa phương. Đây cũng là nguồn lực quan trọng trong việc hỗ trợ nuôi trồng một số mặt hàng thủy sản chính tại Việt Nam, bao gồm cả tôm và cua. Từ hàng trăm năm nay, đây là nơi giúp người dân ven biển đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực.

images1056229-rungnuocman-1657207195.jpg
Trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu.

Rừng ngập mặn có giá trị đặc biệt quan trọng với người dân địa phương ven biển, bởi rừng không chỉ vai trò giữ đất, phòng chống xói lở, giảm tác hại của các cơn bão, đồng thời rừng ngập mặn còn tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho việc nuôi thuỷ sản. Còn rừng ngập mặn nghĩa là người dân vẫn có thể duy trì sinh kế bền vững, nuôi sống gia đình.

Nhiều địa phương đã ý thức hơn tới việc giữ gìn và khai thác rừng ngập mặn một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các địa phương đang có hướng mở rộng du lịch trong rừng ngập mặn để du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái độc đáo này.

Thy Nhân (t/h)