Hàng loạt chim cánh cụt chết dạt vào bờ biển New Zealand... có phải do biến đổi khí hậu?

220615211744-new-zealand-dead-blue-penguins-intl-hnk-exlarge-169-1655432977.jpg
Chim cánh cụt Kororā là loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới và có nguồn gốc từ New Zealand

Những tuần gần đây, xác của hàng trăm con chim cánh cụt Kororā đã trôi dạt vào các bãi biển phía Bắc của New Zealand. Theo các nhà bảo tồn, biến đổi khí hậu đang khiến những con chim cánh cụt chết đói.

Theo Cục bảo tồn New Zealand, loài Kororā là loài chim cánh cụt xanh, có nguồn gốc từ New Zealand và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng phải đối mặt với sự săn đuổi của chó và chồn sương, nhưng cũng dễ bị chết trên đường và ven biển.

Các nhà bảo tồn đang cố gắng tìm ra lý do khiến hàng loạt con chim cánh cụt chết kể từ đầu tháng 5, khi lần đầu tiên người dân phát hiện ra xác của chúng trên bãi biển. Graeme Taylor, một cố vấn khoa học chuyên nghiên cứu các loài chim biển tại Cục bảo tồn New Zealand cho biết, dựa trên kết quả thí nghiệm ban đầu, suy dinh dưỡng có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của 200 - 500 con chim cánh cụt.

Graeme Taylor chia sẻ: "Nguyên nhân của sự việc này dường như là do chúng không tìm được đủ thức ăn, dẫn đến kiệt sức và chết vì đói". Cô nói thêm rằng, một đợt nắng nóng ở vùng biển phía bắc, cùng với chu kỳ thời tiết của La Niña, càng khiến việc tìm kiếm thức ăn của chúng khó khăn hơn.

Những con chim cánh cụt Kororā có thân hình nhỏ với bộ lông màu xanh nhạt hoặc màu chàm, thường ăn cá cơm và cá mòi. Chúng lặn ở độ sâu 30m để bắt con mồi. Nhưng nhiệt độ nước tăng đồng nghĩa với việc những con cá cơm và cá mòi di chuyển đến vùng nước lạnh hơn và sâu hơn, quá sâu để những con chim cánh cụt có thề tiếp cận.

Những phát hiện ban đầu từ một nghiên cứu của Bộ Công nghiệp cho thấy, những con chim cánh cụt Kororā đã mất đi lớp mỡ ở bụng, vì vậy sức khỏe của chúng đã tồi tệ hơn trước khi trôi dạt vào bờ.

Theo Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia, New Zealand đã trải qua năm 2021 nóng kỷ lục với nhiệt độ trung bình năm tăng cao hơn từ 0,5 đến 1,2 độ C so với thông thường. Việc Nghiên cứu biến đổi khí hậu New Zealand thông báo vào tháng 1 rằng, các vùng biển xung quanh đất nước này đã tăng thêm 3 độ C.

"Không phải là một vấn đề mới, nhưng nó đang trở nên tồi tệ hơn"

Dave Houston, một nhà sinh thái học tại Cục Bảo tồn cho biết, đây không phải lần đầu tiên những con chim cánh cụt chết với số lượng lớn, từ những năm 1970 - 1990 đã có tới 5.000 con chết hàng loạt... So với các sự kiện trong quá khứ, số lượng lần này là tương đối nhỏ.

Cho đến nay, cái chết của những con chim cánh cụt được báo cáo ở Đảo Bắc của New Zealand và không có trường hợp nào xảy ra ở Đảo Nam.

Trong khi Houston cho biết, hiện tượng này là một phần của chu kỳ tự nhiên, ông thừa nhận rằng biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của sự việc. "Chúng tôi biết rằng những con chim cánh cụt Kororā có thể sống sót ở vùng nước ấm hơn, nhưng điều đó gây khó khăn cho cuộc sống của chúng", ông nói.

Bruce McKinley, Chủ tịch của Birds New Zealand cho biết, biến đổi khí hậu và ô nhiễm có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. "Bản thân sự việc này là tự nhiên và đã từng xảy ra trước đây, nó có thể thay đổi theo cường độ do sự nóng lên của trái đất và đại dương, đều do biến đổi khí hậu mà con người gây ra".