VinSpeed đề xuất vay 41 tỷ USD lãi suất 0% cho dự án đường sắt Bắc Nam

Để có vốn thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao, Vinspeed đề xuất vay Nhà nước 80% tổng mức đầu tư (1,25 triệu tỷ đồng - khoảng 49,1 tỷ USD) không tính lãi suất trong 35 năm kể từ ngày giải ngân. Còn lại 20% vốn sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu xếp, tương đương 312.330 tỷ đồng - khoảng 12,27 tỷ USD.
c00a5f40a4e002be5bf1-1727762643692613708570-1727786088196-1727786088343513041217-1734594283889550759285-1747799964.jpg
Ngày 14/5, VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ).

Ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là VinSpeed đề xuất chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Ngoài ra, VinSpeed đề xuất được các địa phương chỉ định khai thác quỹ đất phụ cận các ga đường sắt tốc độ cao để bổ sung vốn cho dự án.

VinSpeed chấp nhận "lời được hưởng, lỗ phải chịu"

Nhìn nhận về đề xuất này, nhiều chuyên gia ủng hộ phương án trao vai trò dẫn dắt cho doanh nghiệp tư nhân với những dự án lớn. TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nói các ý tưởng tham gia vào các dự án hạ tầng trọng điểm từ phía doanh nghiệp tư nhân cần được hoan nghênh.

Theo ông, việc doanh nghiệp tư nhân tham gia cơ sở hạ tầng lớn là định hướng đang được nhà điều hành đặt ra, giúp huy động nguồn lực lớn từ tư nhân để đảm bảo nhu cầu vốn, không ảnh hưởng tới ngân sách, nợ công. Thay vì bỏ vốn đầu tư công trình hạ tầng đó, Nhà nước có thể sử dụng nguồn ngân sách vào các lĩnh vực trọng điểm khác nữa như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển hay các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, môi trường, quốc phòng an ninh.

Đồng tình ý kiến, TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, kể cả dự án đường sắt. Đây là chủ trương mới, quan trọng nhằm phát huy nội lực, nguồn lực to lớn trong nhân dân, trong xã hội để phát triển đất nước.

Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đề xuất tham gia dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có vốn đầu tư rất lớn, rất khó huy động, với thời gian rất dài, khả năng lợi nhuận thấp là "rất đáng khích lệ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần cống hiến đối với quốc gia, dân tộc".

GS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận lẽ ra nhà nước phải bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư và chưa nghĩ đến khi nào thu hồi vốn thì bây giờ nhà đầu tư tư nhân vay tạm thời số tiền đó, sau đó trả lại. Xét về mặt tài chính ngân sách, phương án này có lợi hơn cho ngân sách. Đây là sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân để họ làm thay phần việc của nhà nước phải làm.

"Chúng ta cần khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân để chung tay cùng nhà nước đảm nhận chương trình, mục tiêu phát triển, chứ không thể cứ dùng đầu tư công", ông Cường nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Đào Thụy Vân, Phó tổng giám đốc VinSpeed, khẳng định Vingroup xác định đây là "dự án cống hiến trong vài thập kỷ". Bà giải thích theo phương án vốn này, Nhà nước chỉ cho vay, không phải bỏ 100% vốn đầu tư. VinSpeed sẽ "gánh cho nhà nước 20% tổng vốn phải đầu tư và chịu lãi hoàn toàn cho số đó". Đồng thời, họ sẽ hoàn trả nhà nước toàn bộ vốn vay sau 35 năm trong bối cảnh các chuyên gia tính toán thời gian hoàn vốn dự án có thể lên đến 70 năm.

Bà Vân cũng nói, theo tìm hiểu của VinSpeed, 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới lỗ, chỉ 2% có lãi. Chưa kể, cứ sau khoảng 30 năm vận hành sẽ phải tái đầu tư hàng chục tỷ USD để bảo trì, nâng cấp.

"Nếu giao cho VinSpeed, Ngân sách Nhà nước sẽ không phải chịu những áp lực tài chính này", bà Vân nói.

"Kiểm soát xem tiền có vào đúng công trình hay không?"

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xem là trục giao thông huyết mạch, mang tính chiến lược, phục vụ đồng thời mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. TS Nguyễn Văn Phúc bày tỏ lo ngại rằng nếu dự án do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và vận hành, cần làm rõ khả năng đáp ứng đồng thời hai mục tiêu nói trên, cũng như nguy cơ xung đột lợi ích.

Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ nắm quyền đầu tư, quản lý và khai thác tuyến đường sắt trong 99 năm - một khoảng thời gian rất dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro như thay đổi chủ đầu tư, biến động nguồn vốn và các yếu tố pháp lý khác. Do đó, TS. Phúc đặt vấn đề: "Giả sử doanh nghiệp không thể kinh doanh tiếp thì có được tự do chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác hay bắt buộc Nhà nước phải nhận chuyển giao?"

Ngoài ra, việc giao cho một doanh nghiệp khai thác vận tải công cộng dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tự do định giá theo cơ chế thị trường mà phải tuân thủ mức giá trần do Nhà nước quy định. Trường hợp kinh doanh thua lỗ, liệu họ có được quyền yêu cầu Nhà nước bù đắp?, ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo GS Hoàng Văn Cường: “Bây giờ cho nhà đầu tư tư nhân vay thì cũng phải kiểm soát xem luồng tiền ấy có đúng đi vào các công trình như chúng ta mong muốn hay không, chứ không phải là cứ đưa tiền cho họ rồi mang tiền đấy đi làm bất kể ở đâu.

Vấn đề khác nhau ở chỗ, nếu đầu tư công thì phải kiểm soát đến từng đồng, từng chi tiêu thực hiện trong tuân thủ về giám sát, đấu thầu, lên các định mức chi phí cho từng đồng mua vật tư, nguyên liệu. Còn với nhà đầu tư tư nhân thì họ tự quản lý, quyết định việc đó. Nhà nước chỉ quản lý tổng thể xem sản phẩm, công trình đó có thực hiện theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định được đặt ra hay không.

Theo đó, GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng để xác định ưu, nhược điểm nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam giao cho doanh nghiệp tư nhân cần xem xét cụ thể phương án đề xuất của từng doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa hai phương án đầu tư giữa nhà nước và tư nhân, trong đó làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư..., từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư như nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Trần Huyền